Đương sự được cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án đến thời điểm nào?

Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định tương đối đầy đủ về giao nộp tài liệu, chứng cứ, tuy nhiên trong thực tế vẫn còn có những vướng mắc, cần có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.


Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198
Luật sư Nguyễn Duy Hội - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài (24/7): 1900 6198

Thứ nhất, quy định của pháp luật về giao nộp tài liệu, chứng cứ

Điều 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015), quy định về giao nộp tài liệu, chứng cứ, cụ thể như sau: "1- Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật này để giải quyết vụ việc dân sự. 2- Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ. 3- Đương sự giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. 4- Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự. 5- Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác".

Có thể thấy, so với BLTTDS 2004 thì BLTTDS 2015 đã có bổ sung quy định mới chặt chẽ hơn về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ, đó là:

Một là, khi vụ án được giải quyết tại giai đoạn sơ thẩm

Khi vụ án được giải quyết tại Tòa án cấp sơ thẩm, theo khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015 thì thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử. (ii) Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp, đương sự không giao nộp được đúng thời hạn vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án dân sự.

Hai là, khi vụ án được giải quyết tại cấp phúc thẩm

Khi vụ án được giải quyết tại Tòa án cấp phúc thẩm, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 287 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:

“Điều 287. Cung cấp tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: Đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm: a) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; b) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Thủ tục giao nộp tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật này.”

Theo quy định tại Điều 287 nêu trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, đương sự được quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ sau đây: (1) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng; (2) Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Ba là, khi vụ án giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm

Khi vụ án được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, việc bổ sung, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại khoản 1 Điều 330 BLTTDS 2015, cụ thể như sau:

“1. Đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.”

Theo quy định tại khoản 1 Điều 330 BLTTDS nêu trên, trong thủ tục giám đốc thẩm, đương sự có quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án.

Bốn là, khi vụ án được giải quyết theo thủ tục tái thẩm

Khi vụ án được giải quyết theo thủ tục tái thẩm, theo quy định tại Điều 357 BLTTDS 2015[2] thì các quy định khác về thủ tục tái thẩm được thực hiện như các quy định của BLTTDS 2015 về thủ tục giám đốc thẩm. Dó đó, việc bổ sung tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 330 BLTTDS 2015.

Từ các quy định nêu trên, có thể xác định trong tố tụng dân sự đương sự giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tới thời điểm kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm. Trong các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án, Tòa án chỉ chấp nhận tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp nếu thuộc các trường hợp BLTTDS 2015 quy định như đã nêu ở trên.

Thứ hai, lý do chính đáng được hiểu như thế nào?

Tuy nhiên, sẽ khó khăn cho người làm công tác giải quyết vụ án khi xác định thế nào là có “lý do chính đáng” làm cho đương sự không thể cung cấp được tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn?

Mặc dù hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn thế nào là “lý do chính đáng” làm cho đương sự không thể cung cấp tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn nhưng qua nghiên cứu, tác giả thấy rằng:

Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, đều có hướng dẫn “lý do chính đáng” quy định tại khoản 3 Điều 179 của BLTTDS 2004. Theo đó, lý do chính đáng được hiểu là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, không lường trước được. Với các hướng dẫn này, có thể hiểu lý do chính đáng bao gồm sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan.
Tuy nhiên, cần xem xét một số vấn đề liên quan đến hướng dẫn trên, cụ thể: Đương sự không thể giao nộp được tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn vì có lý do chính đáng thì ngoài những lý do BLTTDS 2015 đã quy định, lý do chính đáng được xác định bao gồm sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan và lý do chính đáng khác.

Tuy nhiên, BLTTDS 2015 cũng không có sự giải thích về sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan. Trong khi một số văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định về sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, cụ thể:

(i) BLDS 2015 giải thích về sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan như sau: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”.

(ii) Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã giải thích sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan như sau: “13.Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, trong khi BLTTDS 2015 không quy định cụ thể, rõ ràng về lý do chính đáng nói chung và lý do chính đáng mà đương sự không thể giao nộp tài liệu, chứng cứ đúng thời hạn luật định và chưa có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì khi xem xét, giải quyết các vụ việc dân sự cần cân nhắc, tham khảo các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, tùy từng trường hợp cụ thể, để xác định lý do chính đáng cho hợp tình, hợp lý.


Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật006198, E-mail: [email protected], [email protected].