Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Việc thay đổi tư cách người đại diện theo pháp luật không làm chấm dứt đại diện theo pháp luật.
Hỏi: Khi khách hàng doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật, có dẫn đến việc phải ký kết lại hợp đồng hoặc lập thêm văn bản sửa đổi/bổ sung hợp đồng đã ký kết trước đó? Có phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm? (Tâm An - Phú Thọ)
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khi khách hàng doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật không dẫn đến việc phải ký kết lại hợp đồng hoặc lập thêm văn bản sửa đổi/bổ sung hợp đồng đã ký kết trước đó vì:
- Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chỉ chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Việc thay đổi tư cách người đại diện theo pháp luật không làm chấm dứt đại diện theo pháp luật (Khoản 1 Điều 148 BLDS năm 2005).
- Các hợp đồng do người đại diện theo pháp luật đã ký vẫn tiếp tục có hiệu lực khi người đó không còn đảm nhiệm chức vụ đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp các bên trong hợp đồng thỏa thuận hủy bỏ hoặc thay thế hợp đồng đã ký).
Nếu hợp đồng trước đó do người đại diện theo ủy quyền ký (người này được người đại diện theo pháp luật cũ ủy quyền), thì khi thay đổi người đại diện theo pháp luật cũng không đương nhiên làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng đã ký vì quyền đại diện của người được ủy quyền không bị chấm dứt. Trong trường hợp này, đại diện theo ủy quyền của pháp nhân chỉ chấm dứt khi: (i). Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành; (ii). Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền; (iii). Pháp nhân chấm dứt hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết (khoản 2 Điều 148 BLDS năm 2005).
- Mặc dù khi khách hàng doanh nghiệp thay đổi người đại diện theo pháp luật không dẫn đến việc phải ký kết lại hợp đồng hoặc lập thêm văn bản sửa đổi/bổ sung hợp đồng đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, khách hàng doanh nghiệp có nghĩa vụ lập và gửi văn bản cho Ngân hàng để thông báo về việc khách hàng đã thay đổi người đại diện theo pháp luật; đồng thời ghi nhận rõ thời điểm hết hiệu lực đại diện ký kết hợp đồng của người đại diện theo pháp luật cũ và thời điểm bắt đầu hiệu lực đại diện ký kết của người đại diện theo pháp luật mới.
Theo Điều 12, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm: việc thay đổi tên người đại diện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc trường hợp phải đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký. Do đó, khi doanh nghiệp thay đổi trên người đại diện trong GCNĐKKD Ngân hàng và khách hàng không cần làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hợp đồng mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận