-->

Đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi như thế nào?

Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Hỏi: Vừa qua, vợ chồng tôi phát hiện một đứa trẻ 4 tuổi bị bỏ rơi. Chúng tôi muốn làm khai sinh cho cháu. Đề nghị luật sư cho biết trình tự, thủ tục đăng ký khai sinh trong trường hợp này được pháp luật quy định như thế nào? (Vân Quỳnh - Tuyên Quang)

c

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Tiến sỹ, luật sư Vũ Thái Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội- trả lời:

Khoản 3 Điều 13 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27.12.2005 quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định 158/2005/NĐ-CP) quy định: “Việc đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi được thực hiện tại UBND cấp xã, nơi cư trú của người đang tạm thời nuôi dưỡng hoặc nơi có trụ sở của tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó”.

Về trình tự thủ tục khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi được quy định tại Điều 16 Nghị định 158/2005/NĐ-CP, cụ thể:

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không phải là trẻ sơ sinh, thì người phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Biên bản phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm phát hiện trẻ bị bỏ rơi; giới tính; đặc điểm nhận dạng; tài sản và các đồ vật khác của trẻ (nếu có); họ, tên, địa chỉ của người phát hiện. Biên bản được lập thành hai bản, một bản lưu tại UBND cấp xã, nơi lập biên bản, một bảo giao cho người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ.

UBND cấp xã, nơi lập biên bản có trách nhiệm thông báo trên Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình địa phương để tìm cha, mẹ đẻ của trẻ. Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình có trách nhiệm thông báo miễn phí 3 lần trong 3 ngày liên tiếp các thông tin về trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo cuối cùng, nếu không tìm thấy cha, mẹ đẻ, thì người hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đi đăng ký khai sinh.

Khi đăng ký khai sinh, những nội dung liên quan đến khai sinh được ghi theo lời khai của trẻ; nếu trẻ không nhớ được thì căn cứ vào thể trạng của trẻ để xác định năm sinh, ngày sinh là ngày 1 tháng 1 của năm đó; họ, tên của trẻ được ghi theo đề nghị của người đi khai sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam; những nội dung không xác định được thì để trống. Trong cột ghi chú của Sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ “trẻ bị bỏ rơi”.

Căn cứ các quy định pháp luật nêu trên, khi phát hiện ra trẻ bị bỏ rơi, bà cần báo ngay cho UBND cấp xã hoặc Công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản. Sau khi thông báo các thông tin của trẻ bị bỏ rơi trên Đài phát thanh hoặc đài truyền hình, mà không tìm thấy cha, mẹ đẻ của trẻ bị bỏ rơi, thì bà có trách nhiệm đến UBND cấp xã, nơi cư trú của vợ chồng bà để làm các thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ.

Theo Báo Lao Động, ngày 02/07/2013.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hành chính mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.