Nhóm công ty là mô hình phổ biến trên thế giới. Ngoài lợi thế khép kín quy trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhóm công ty tạo ra lợi thế cạnh tranh giữa các tổ hợp nay với nhau và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia phát triển.
Thứ nhất, khái niệm, đặc điểm của nhóm công ty.
Liên kết hình thành nhóm công ty là xu hướng tất yếu khách quan trong nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nền kinh tế thì trường. Những yếu tố cơ bản như nhu cầu phân tán rủi ro, nhu cầu tích tụ và tập trung vốn, phân công lao động xã hội và sự chi phối mạnh mẽ từ quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu của nền kinh tế đã thúc đẩy hoạt động lên kết hình thành nhóm công ty. Nhóm công ty là tập hợp các công ty có mối liên hệ gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.Đặc điểm pháp lý cơ bản của nhóm công ty:
Nhóm công ty được hình thành trên cơ sở liên kết giữa các công ty thành vên. Đây là xu thế tất yếu của quá trình phát triển của lực lượng sản xuất. Liên kết giữa các công ty để hình thành nhóm công ty dựa trên ý chí tự nguyện của chính công ty đó.Các công ty độc lập, nhân danh chính mình để thực hiện hành vi liên kết. Tuy nhiên trong một số trường hợp do điều kiện cạnh tranh cũng như ảnh hưởng tới tíh tự nguyện liên kết, quy luật cạnh tranh trong nên kinh tế sẽ buộc các doanh nghiệp phải liên kết với nhau nhằm tạo lập, duy trì, phát triển tối đa nguồn lực của doanh nghiệp đó.
Dựa trên tính chất ngành nghề, các nhóm công ty được hình thành: nhóm công ty liên kết theo chiều ngang; nhóm công ty liên kết theo chiều dọc; nhóm công ty liên kết hỗn hợp.
Dựa vào phương thức hình thành, các nhóm công ty chia thành: nhóm công ty liên kết cứng; nhóm công ty liên kết mềm; nhóm công ty liên kết trên cơ sở xác lập thống nhất tài chính và kiểm soát tài chính.
Nhóm công ty có tên riêng, có trụ sở riêng. Tên riêng của nhóm để chỉ một tập hợp các công ty độc lập, hoạt động trên cơ sở liên kết chặt chẽ vì lợi ích kinh tế. Tên riêng của nhóm để phân biệt giữa nhóm công ty với các công ty trong nhóm và phân biệt nhóm công ty này với nhóm công ty khác. Nhóm công ty có trụ sở ổn định, rõ ràng. Trụ sở của nhóm công ty là nơi để thực hiện hoạt động quản trị nhóm công ty nói chung và các công ty trong nhóm nói riêng.
Nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, không có tài sản riêng. Mỗi công ty trong nhóm là một chủ thể với năng lực pháp lý đầy đủ, nhân danh chính mình thực hiện các quan hệ pháp luật. Sự tập hợp của các công ty tạo thành nhóm không hướng đến việc hình thành một tổ chức kinh tế mới tham gia thị trường mà thực hiện quá trình liên kết nhằm tối đa hóa lợi ích của từng công ty kinh doanh độc lập. Vì vậy, nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, sự vận hành của nhóm công ty chính là sự vận hành của các công ty thành viên.
Nhóm công ty hình thành từ sự liên kết những không xuất phát từ quá trình góp vốn chung, vì vậy nhóm công ty không nhận sự chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn từ các công ty thành viên nên không có tài sản chung. Các công ty thành viên thực hiện nghãi vụ đóng góp tài chính để duy trì hoạt động của bộ máy quản trị nhằm thực hiện các trách nhiệm cần thiết cho hoạt động của nhóm.
Thứ hai, các hình thức nhóm công ty phổ biến.
Các hình thức nhóm công ty bao gồm: tổ hợp công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và một số hình thức khác. Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định về tập đoàn kinh tế, tổng công ty, như sau:"1- Tập đoàn kinh tế, tổng công ty thuộc các thành phần kinh tế là nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không phải là một loại hình doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo quy định của Luật này.
Thứ ba, về sự khác biệt về mô hình nhóm công ty giữa Việt Nam và các nước.
(i) Chủ thể điều hành và kiểm soát nhóm công ty:
Chủ thể điều hành và kiểm soát (ở đỉnh hoặc trung tâm) nhóm công ty ở Việt Nam phần lớn là cá nhân hoặc gia đình, một số ít là pháp nhân. Trong khi đó ở Âu - Mỹ và các nước trong nhóm BRICS (ngoại trừ Trung Quốc theo mô hình công ty mẹ - con), hầu hết nhóm công ty được tổ chức theo kiểu “thứ bậc” với công ty “holding” nằm ở “đỉnh” của cấu trúc thứ bậc này và kiểm soát các công ty con có pháp nhân và hoạt động độc lập.(ii) Phương thức hình thành cấu trúc nhóm công ty:
Phương thức hình thành cấu trúc nhóm công ty của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên quan hệ vốn chủ sở hữu trực tiếp giữa các pháp nhân với nhau. Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít doanh nghiệp dù đã xưng danh “tập đoàn” nhưng cấu trúc của các doanh nghiệp này thực ra chỉ là “sự chỉ định” của cá nhân hoặc gia đình thông qua một cái tên tự xưng (có hoặc không có đăng ký pháp nhân). Nó có phần khác so với thế giới là nhóm công ty thường được tổ chức theo kiểu “thứ bậc” và định hình cấu trúc hoặc là “đa dạng hóa”, hoặc “hình tháp”. Các công ty bị kiểm soát thông qua các ràng buộc về sở hữu cổ phần và các công cụ kinh tế khác như cơ chế hoạt động của hội đồng quản trị và ban giám đốc, việc phân bổ ngân sách, các giao dịch nội bộ...Trong cấu trúc đa dạng hóa, công ty mẹ (hoặc công ty holding) chỉ tập trung vào phương diện nghiên cứu và phát triển chiến lược tập đoàn, tức hướng đến sự rạch ròi giữa ngành/lĩnh vực không liên quan, hiệu quả tổ chức, và hiệu quả kinh tế. Các công ty thành viên có pháp nhân hoàn toàn độc lập, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực (thường không có liên quan với nhau) và có sự ràng buộc chặt chẽ với nhau, ví dụ về mặt chính thức thì dưới hình thức cổ phần và không chính thức dưới hình thức thành viên gia đình.
Với cấu trúc “hình tháp” thì mục tiêu luôn là các công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Công ty mẹ (hoặc công ty holding) chỉ tập trung vào phương diện tài chính và quản trị tập đoàn, tức hướng đến mục tiêu trước tiên là cấu trúc sở hữu trục dọc đơn nhất, và sau đó mới là mục tiêu cho hiệu quả kinh tế. Một công ty kiểm soát từ hai hoặc nhiều hơn hai công ty khác với tư cách là cổ đông lớn nhất.
Điểm đáng lưu ý là ở Việt Nam rất ít thấy nhóm công ty được định hình theo cấu trúc hình tháp (với các công ty thế hệ F1, F2, F3, F4...), mà chủ yếu là cấu trúc đa dạng hóa, trong đó nổi lên vấn đề sở hữu chéo và sở hữu vòng tròn nhằm mục đích thâu tóm để tăng trưởng nhanh về quy mô, gia tăng sự kiểm soát thị phần của ngành, tạo thế độc quyền, hạn chế cạnh tranh, hoặc củng cố sức mạnh trong nhóm các công ty chủ chốt nhằm giảm nguy cơ bị thâu tóm.
(iii) Chiến lược phát triển ngành kinh doanh trong nhóm công ty:
Để thuận tiện cho việc phân tích và đánh giá tổng thể, chúng tôi tạm phân loại các doanh nghiệp lớn, nhóm công ty, tập đoàn của Việt Nam thành 05 (năm) nhóm: (1) Đơn ngành và chỉ tập trung vào một mắt xích có ưu thế nhất trong chuỗi giá trị (như TH Milk, Nguyễn Kim, Trung Nguyên...); (2) Đơn ngành và chỉ tham gia vào một số mắt xích trong chuỗi giá trị (như Hùng Vương, Kido, BKAV, FPT...); (3) Đa ngành và đồng nhất thương hiệu (như T&T, Quang Dũng, FLC, Xuân Thành, U&I...); (4): Đa ngành - đa thương hiệu (như Vingroup, HAGL, Hòa Phát...); (5) Sự kết hợp của nhóm 2 và nhóm 4 (như Masan, FIT, Sao Mai, TTC...).(iv) Bộ máy điều hành và giám sát trong nhóm công ty:
Khi nói tới bộ máy điều hành và giám sát của tập đoàn, một số doanh nghiệp Việt Nam dễ có khuynh hướng liên tưởng đến một hệ thống được thiết kế và tổ chức rất công phu, hoành tráng, bao gồm hội đồng chủ tịch, hội đồng điều hành và ủy ban kiểm soát. Thành viên của các chủ thể này bao gồm các thành viên hội đồng quản trị, các thành viên ban kiểm soát, các tổng giám đốc và phó tổng giám đốc của công ty mẹ, các công ty con. Ngoài ra còn có ủy ban đối ngoại, hội đồng cố vấn, văn phòng tập đoàn và văn phòng hội đồng điều hành.Các phòng ban chức năng trước đây vốn trực thuộc công ty mẹ nay được nâng lên thành các ủy ban, ví dụ: ủy ban nhân sự, ủy ban pháp chế, ủy ban tài chính và các ủy ban khác theo ngành kinh doanh nhằm tăng hiệu quả điều hành, hiệu quả kiểm soát và phần nào đó cho xứng với danh “tập đoàn”.
Tập đoàn vốn dĩ không có pháp nhân. Điều này có nghĩa tập đoàn không phải là một thực thể pháp lý và nó không tồn tại ở góc độ của luật pháp. Do đó, những cơ quan quyền lực hoặc cơ quan chuyên môn nếu được sinh ra dưới danh nghĩa của tập đoàn này cũng sẽ không có thực, và vì không có thực nên chức danh của những cá nhân làm việc cho những cơ quan này cũng chỉ là chức danh ảo. Theo chúng tôi, những chức danh này chỉ phù hợp trong quan hệ nội bộ tập đoàn, nó chẳng có nhiều ý nghĩa khi quan hệ với bên ngoài, trừ khi theo cách làm của thế giới là các nhân sự cấp cao của tập đoàn luôn có hai chức danh: một chức danh theo cấu trúc hệ thống cấp bậc chung cho toàn tập đoàn, và một chức danh khác gắn liền với một pháp nhân cụ thể nhằm phục vụ cho công tác đối ngoại.
Hoặc một công ty cổ phần tập đoàn tự lập ra quy chế hoạt động cho các công ty thành viên rất chi tiết và áp dụng cho tất cả công ty trong tập đoàn nhằm kiểm soát công ty con. Vì áp đặt nên bản quy chế hoạt động này không cần hội đồng quản trị của các công ty thành viên thông qua hoặc thậm chí công ty cổ phần tập đoàn này cũng không có đại diện (hoặc vốn góp) ngồi trong hội đồng quản trị của công ty thành viên. Bản quy chế này được thực thi chỉ vì cả công ty cổ phần tập đoàn và công ty thành viên đều có chung một ông chủ (gia đình), mà ông chủ thì muốn như vậy.
Trong định chế công ty, quyền không phát sinh từ luật pháp mà từ tiền bạc mà công ty này bỏ vào công ty kia theo những mức nhất định, và cử người vào đó. Người này có quyền quyết định theo số vốn công ty mẹ nắm để làm cho quy chế quản trị nội bộ và chính sách của công ty mẹ được thực hiện tại từng công ty con. Vấn đề còn lại là công ty mẹ phải có bản điều lệ được sử dụng nhuần nhuyễn, trình độ quản trị đã ở mức khoa học, sau đó đem cơ cấu tổ chức và cơ chế điều hành của công ty mẹ áp dụng cho các công ty con. Tập đoàn mạnh được hình thành theo cách này.
Những vấn đề trên dù chỉ mới nêu khái quát nhưng hàm chứa những gợi ý có tính định hướng về mô hình nhóm công ty, tập đoàn cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa mở rộng ở mọi lĩnh vực. Bởi vì ở Việt Nam, các tập đoàn thường có xuất phát điểm từ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, theo thời gian phát triển đến một quy mô nhất định, doanh nghiệp đầu tư hình thành các công ty con, và do nhu cầu gia tăng kiểm soát và quản trị mới tiến hành phân chia trách nhiệm các thành viên trong nhóm công ty và hình thành quan hệ công ty mẹ - con. Phương thức này hoàn toàn khác với thế giới là định hình trước cấu trúc với một mô hình tổ chức được nghiên cứu và thiết kế một cách khoa học, đảm bảo sự tập trung lãnh đạo chiến lược ở cấp quản trị tập đoàn, và sự tự chủ cao của các công ty thành viên trong tập đoàn.
Bài viết thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Yến - Trưởng Chi nhánh Quảng Ninh của Công ty Luật TNHH Everest
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể đối với vấn đề mà quý Vị quan tâm, vui lòng liên hệ với các luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận