Công ty tư nhân theo quy định sẽ không có ban kiểm soát như vậy không phù hợp với quy định của Ngân hàng nhà nước về công ty môi giới tài chính tiền tệ. Như vậy việc thành lập công ty tư nhân về môi giới tiền tệ là không thể được.
Hỏi:Tôi muốn thành lập một công ty môi giới tiền tệ (công ty tư nhân) để môi giới giữa các cá nhân/doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi muốn cho vay và các doanh nghiệp cần vay vốn dưới hình thức sàn giao dịch online. Đề nghị Luật sư tư vấn,tôi có được thành lập công ty như vậy không? Các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia sàn giao dịch của tôi để cho vay có vi phạm pháp luật không? (Nguyễn Phong Mai - Thái Nguyên)
Luật gia Nguyễn Hà Phương - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
1.Việc anh (chị) muốn thành lập công ty môi giới tiền tệ theo hình thức công ty tư nhân
- Theo quy định tại Điều 7 Quyết định 351/2004/QĐ-NHNN về điều kiện cấp giấy phép cho công ty môi giới tiền tệ:
Điều7.Điều kiện cấp Giấy phép
"Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép cho các tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện cơ bản sau đây:
1. Có nhu cầu hoạt động môi giới;
2. Có bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới thuộc tổ chức tín dụng;
3. Người quản trị, điều hành của bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới (Trưởng, phó Phòng, hoặc Trưởng, phó Ban, hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc) có trình độ chuyên môn về kinh tế, tài chính, ngân hàng phù hợp với hoạt động môi giới; có kiến thức và kinh nghiệm về kiểm soát rủi ro;
4. Có phương án thực hiện môi giới khả thi;
5. Có hệ thống kiểm soát nội bộ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
6. Có cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật tin học và phương tiện thông tin liên lạc (điện thoại, thiết bị ghi âm, máy vi tính và các thiết bị khác) đáp ứng yêu cầu của hoạt động môi giới".
Như vậy,để có thể thành lập một công ty môi giới tiền tệ anh (chị) cần phải đáp ứng các điều kiện trên. Công ty mà anh (chị) muốn thành lập là công ty tư nhân nên theoquy định về cơ cấu tổ chức công ty tư nhân thì loại hình công ty này sẽ không có ban kiểm soát, chính vì vậy nếu như thành lập theo hình thức công ty tư nhân sẽ không phù hợp với điều kiện thứ 5 theo quy định trên nên anh (chị) không thể thành lập được công ty môi giới tiền tệ theo hình thức này. Ngoài ra, anh (chị) còn cần có phương án thực hiện môi giới khả thi, có cơ sở vật chất kỹ thuật tin học và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu của hoạt động môi giới nhưng theo thông tin anh (chị) đưa ra anh (chị) không có những yếu tố này. Do vậy, anh (chị) sẽ không thể thành lập công ty môi giới tiền tệ được nên các cá nhân, doanh nghiệp muốn tham gia sàn giao dịch của anh (chị) là không thể được
2. Thủ tục thành lập công ty môi giới tiền tệ
Nếu như bạn đáp ứng các điều kiện theo như phân tích ở trên thì thủ tục thành lập công ty môi giới tiền tệ sẽ tiến hành theo quy định tại Điều 8 quyết định 351/2004/QĐ-NHNN:
Điều8.Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép
"1. Hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép gồm:
a. Đơn đề nghị cấp Giấy phép; b. Phương án thực hiện môi giới 3 năm đầu, trong đó nêu rõ phương thức tổ chức thực hiện môi giới, cơ sở vật chất, trang bị hệ thống kỹ thuật tin học và phương tiện thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động môi giới, hiệu quả và lợi ích kinh tế của tổ chức tín dụng; c. Danh sách, lý lịch, các văn bằng (bản sao có xác nhận của công chứng Nhà nước) chứng minh năng lực, trình độ chuyên môn của người quản trị, điều hành và nhân viên của bộ phận hoặc công ty trực thuộc thực hiện môi giới;
2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phải lập thành 2 bộ bằng tiếng Việt. Các tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng cổ phần) gửi hồ sơ xin cấp Giấy phép cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng). Các tổ chức tín dụng cổ phần gửi hồ sơ xin cấp Giấy phép cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (nơi tổ chức tín dụng cổ phần đặt trụ sở chính);
3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp Giấy phép của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) cấp hoặc từ chối cấp Giấy phép.
Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước (Vụ Các ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) giải thích rõ lý do bằng văn bản. Trường hợp có sửa đổi, bổ sung, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ không tính vào thời hạn cấp phép;
4. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các nghiệp vụ mà tổ chức tín dụng được môi giới. Tổ chức tín dụng phải hoạt động đúng theo các nghiệp vụ được quy định trong Giấy phép. Cấm làm giả, tẩy xoá, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn Giấy phép;
5. Trường hợp có bổ sung hoặc thay đổi các nghiệp vụ được môi giới trong Giấy phép thì tổ chức tín dụng làm thủ tục xin cấp lại hoặc cấp Giấy phép bổ sung;
6. Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép phải đăng báo trung ương, địa phương theo quy định của pháp luật về những nội dung quy định trong Giấy phép".
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận