Có thể hủy giấy chứng nhận kết hôn không?

Khi nào hủy giấy chứng nhận kết hôn? Muốn hủy giấy chứng nhận kết hôn trong thời gian đã đăng ký kết hôn nhưng chưa tổ chức lễ cưới có được không?

Giấy chứng nhận kết hôn là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam, nữ khi đăng ký kết hôn, nhằm xác lập quan hệ hôn nhân giữa nam nữ từ thời điểm được cấp. Việc hủy giấy chứng nhận kết hôn có đặc thù nhất định không giống như việc thu hồi và hủy bỏ các giấy tờ hộ tịch khác.

Tổng đài tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6198
Tổng đài tư vấn pháp luật 24/7: 1900 6198

Hủy giấy chứng nhận kết hôn là hành vi, quyết định của cơ quan hộ tịch khi có căn cứ cho rằng giấy chứng nhận kết hôn đã được cấp trái thẩm quyền, hoặc có quyết định của Tòa án về hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật. Đối với trường hợp nam nữ đã kết hôn, tuy nhiên ngay sau đó thay đổi ý định, muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng với bên kia thì phải thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự mặc dù mới đăng ký kết hôn được 01 giờ.

Hủy giấy chứng nhận kết hôn do trái thẩm quyền được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 như sau:

"Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước". (Điều 13)

Hủy giấy chứng nhận kết hôn do kết hôn trái pháp luật

Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về"Người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật":

1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này: (a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật; (b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; (c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; (d) Hội liên hiệp phụ nữ.3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật".

Theo đó, khi có căn cứ cho rằng việc kết hôn là kết quả do bị cưỡng ép, lừa dối, không dựa trên tinh thần tự nguyện của hai bên, thì cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan có thẩm quyền đã nêu trên có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật phải gửi cho Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng, không phải theo trình tự thủ tục hành chính.

Các căn cứ để yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Khi giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải căn cứ vào điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình để xem xét, quyết định xử lý việc kết hôn trái pháp luật và lưu ý một số điểm như sau:

Thứ nhất, “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là trường hợp nam đã đủ hai mươi tuổi, nữ đã đủ mười tám tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh.

Trường hợp không xác định được ngày sinh, tháng sinh thì thực hiện như sau: (a) Nếu xác định được năm sinh nhưng không xác định được tháng sinh thì tháng sinh được xác định là tháng một của năm sinh; (b) Nếu xác định được năm sinh, tháng sinh nhưng không xác định được ngày sinh thì ngày sinh được xác định là ngày mùng một của tháng sinh.

Thứ hai, “việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là trường hợp nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau hoàn toàn tự do theo ý chí của họ.

Thứ ba, “Lừa dối kết hôn” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch và dẫn đến việc đồng ý kết hôn; nếu không có hành vi này thì bên bị lừa dối đã không đồng ý kết hôn.

Thứ tư, “Người đang có vợ hoặc có chồng” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết; (b) Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết; (c) Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết.

Thứ năm, việc xác định thời điểm “cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn” quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Tòa án yêu cầu đương sự xác định và cung cấp các tài liệu, chứng cứ để xác định thời điểm cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

  • Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn;
  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Trường hợp vì lý do chủ quan, một hoặc các bên muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân mà không thuộc các trường hợp trên thì phải thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.


Luật gia Nguyễn Thị Hải Yến - Công ty Luật TNHH Everest, tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, tổng hợp.

Quý vị tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hoặc liên hệ với Luật sư, Luật gia của Công ty Luật TNHH Everest để yêu cầu cung cấp dịch vụ:
  1. Trụ sở: Tầng 19 Tòa nhà Thăng Long Tower, 98 Ngụy Như Kom Tum, Thanh Xuân, Hà Nội
  2. Chi nhánh Hà Nội: Tầng 2, Toà nhà Ngọc Khánh, 37 Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội
  3. Điện thoại: (04) 66.527.527 - Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900-6198,E-mail: [email protected]