-->

Có được chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần không?

Có thể chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn; giai đoạn 2 là chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần.

Hỏi: Tôi là chủ sở hữu một doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tôi đã hoạt động được một thời gian. Hiện tại, tôi muốn chuyển đổi doanh nghiệp sang mô hình công ty cổ phần. Đề nghị Luật sư tư vấn, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển thành công ty cổ phần được không? (Tăng Bá Nam - Hải Dương).

c

>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định như sau:

“1. Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này;
b) Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là chủ sở hữu công ty (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu) hoặc thành viên (đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên);
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
d) Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;
đ) Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân”. (Khoản 1 Điều 199)

“2. Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:
a) Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
b) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
c) Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
d) Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này”. (Khoản 2 Điều 196)

Như vậy, pháp luật doanh nghiệp không quy định chuyển đổi trực tiếp doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần. Tuy nhiên, anh (chị) vẫn có thể chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1: chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn; giai đoạn 2: chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bằng con đường gián tiếp, doanh nghiệp tư nhân vẫn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần. Việc không quy định chuyển đổi trực tiếp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty cổ phần sẽ làm cho doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và gặp nhiều thủ tục hành chính rườm rà, nên có quan điểm cho rằng, đây vẫn là điểm hạn chế của Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lý do mà nhà làm luật không quy định chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân trực tiếp thành công ty cổ phần có thể là: Thứ nhất, công ty cổ phần là dạng mở - tức là việc giao dịch, chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu mở rộng đối tượng hơn, và không bắt buộc phải tuân thủ các yếu tố nội bộ, cũng như ý kiến cổ đông hiện hữu như loại hình trách nhiệm hữu hạn. Mà doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ doanh nghiệp nên sau khi chuyển thành công ty cổ phần thì sẽ tự do chuyển nhượng, tự do rút tên, thì lúc đó có thể sẽ gây những bất lợi, rủi ro. Thứ hai, xuất phát từ các yếu tố lịch sử hình thành các loại hình doanh nghiệp thì quy mô doanh nghiệp được nhận thức tăng dần từ loại hình doanh nghiệp tư nhân, đến loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó quy mô lớn nhất là loại hình công ty cổ phần. Vì vậy, để chuyển sang hoạt động với loại hình công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân phải qua loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.