-->

Chưa đăng ký kết hôn có được giành quyền nuôi con và quyền làm cha không?

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con

Hỏi: Tôi và bạn gái chưa đăng ký kết hôn và sống chung như vợ chồng. Chúng tôi đã có với nhau một mặt con. Bây giờ bạn gái tôi muốn kết hôn với người khác và làm giấy khai sinh cho con tôi nhưng không ghi tên tôi vào. Tôi muốn giành quyền nuôi con nhưng bạn gái tôi không cho. Trong trường hợp này tôi phải làm gì để giành lại con và quyền làm cha? (Bình Minh – Hà Nam)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6218
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Chu Hoàng Hải - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Trước tiên, anh có thể thỏa thuận về việc nuôi con và đứng tên trên giấy khai sinh với bạn gái. Tuy nhiên, giữa bạn và phía bên bạn gái đã xảy ra mâu thuẫn nên phương án này có thể sẽ không thực hiện được.

Phương án thứ hai là anh có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án để làm đơn yêu cầu Tòa án xác định cha cho con và/hoặc giành quyền nuôi con. Trong trường hợp này, tranh chấp giữa anh và bạn gái là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Cụ thể, đây là “Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ” và/hoặc “Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật”.

Về việc xác định con cho cha, mẹ, Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”. Theo đó, bạn gửi đơn yêu cầu hoặc đơn khởi kiện để xác định mình là cha đứa trẻ. Khi ra tòa, bạn có thể yêu cầu trưng cầu giám định, lấy mẫu thử xét nghiệm AND để chứng minh một cách chắc chắn.

Nếu Tòa án ra quyết định/bản án xác nhận anh là cha của đứa trẻ trong thời điểm đăng ký khai sinh, bạn mang quyết định/bản án của Tòa án cùng các giấy tờ khác đến cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy bản nhân dân xã để tiến hành thủ tục đăng ký nhận con theo Điều 25 Luật hộ tịch 2014 như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc”.

Nếu Tòa án ra quyết định/bản án xác nhận anh là cha đứa trẻ mà khi đó giấy khai sinh của con anh đã được làm xong, anh mang quyết định/bản án của Tòa án cùng một số giấy tờ khác đến Ủy ban nhân dân xã tiến hành thay đổi hộ tịch theo Điều 28 Luật hộ tịch 2014 như sau:

“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch”.

Về vấn đề nuôi con, bạn có thể giành quyền nuôi con nếu bạn đáp ứng một số điều kiện phân tích dưới đây. Vì hai bạn sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn nên quyền và nghĩa vụ với con, cùng tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng giữa hai bạn sẽ được giải quyết theo Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình 2015: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”. Do đó, việc giành quyền nuôi con giữa bạn và bạn gái sẽ được xử lý như việc giành quyền nuôi con của vơ chồng khi ly hôn.

Đồng thời, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn là:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Như vậy, khi con của anh chị dưới 36 tháng tuổi trở xuống thì sẽ được bạn gái anh nuôi trực tiếp. Sau khi con lớn hơn mà anh lại không thỏa thuận được với bạn gái về việc nuôi, anh có thể nuôi con nếu anh đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Những điều kiện này thường được đối chiếu dưới hai dạng là điều kiện chăm lo mặt vật chất và điều kiện chăm lo mặt tinh thần. Điều kiện về vật chất thường được quy về thu nhập bình quân, tài sản, mức độ ổn định nghề nghiệp, môi trường sống. Điều kiện về tinh thần là thời gian nuôi dưỡng con, săn sóc con, sự quan tâm của anh dành cho con,…

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.