Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh
Hỏi: Tôi là chủ sở hữu 1 doanh nghiệp tư nhân. Giả sử công ty TNHH A muốn tăng vốn điều lệ bằng tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Tôi muốn góp vốn và trở thành chủ tịch hội đồng thành viên của công ty A có được không? Nếu tôi muốn dùng ô tô đang phục vụ sản xuất tại doanh nghiệp mình để góp vốn vào công ty A thì có được không? (Khánh Huyền - Hà Nội)
Luật gia Nguyễn Thanh Thu - Tổ tư vấn pháp luật doanh nghiệp Công ty Luật TNHH Everest trả lời:
Căn cứ Khoản 3, Điều 18, Luật doanh nghiệp 2014 quy định về Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Mặt khác, căn cứ Khoản 3, Điều 183, Luật doanh nghiệp 2014 thì chủ Doanh nghiệp tư nhân chỉ không được phép đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân khác, chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Cụ thể:
"Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh."
Như vậy, nếu bạn không thuộc đối tượng bị hạn chế theo quy định của pháp luật thì bạn vẫn có thể tham gia góp vốn vào công ty TNHH. Cá nhân chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền góp vốn công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Về tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Căn cứ Khoản 1, Khoản 3 Điều 57, Luật Doanh nghiệp 2014 thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người được Hội đồng thành viên bầu ra. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng thành viên không quá 05 năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Điều 78, Luật Doanh nghiệp 2014 về Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu quy định như sau:
"1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
a) Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
b) Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
2. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
3. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì chức năng, quyền và nghĩa vụ của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên thực hiện theo quy định của Luật này."
Khoản 3, Điều 79, Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
"Chủ tịch Hội đồng thành viên do chủ sở hữu bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc quá bán, theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác, thì nhiệm kỳ, quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên áp dụng theo quy định tại Điều 57 và quy định khác có liên quan của Luật này."
Căn cứ vào quy định trên thì Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty TNHH hai thành viên trở lên do chủ sở hữu bổ nhiệm hoặc do các thành viên Hội đồng thành viên bầu theo nguyên tắc quá bán theo thủ tục, điều lệ công ty.
Khoản 1, Điều 35, Luật doanh nghiệp 2014 quy định về Tài sản góp vốn:
"Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam".
Khoản 1, Điều 36 về Chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn quy định:
"Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:
a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ".
Như vậy, Ôtô là tài sản có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam nên có thể dùng để góp vốn vào Công ty TNHH A, và bạn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu Ôtô cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận