Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bàn giao nhà cho 50% cư dân, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Hiện nay, nhà chung cư đang là mô hình phù hợp với rất nhiều đối tượng bởi giá thành phải chăng, có nhiều lựa chọn, dịch vụ ngày càng nâng cao, chuyên nghiệp… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vận hành, bảo dưỡng nhà chung cư thì vai trò của hội nghị nhà chung cư là vô cùng lớn.
Một số quy định của pháp luật về nhà ở về hội nghị nhà chung cư
Hội nghị nhà chung cư là hội nghị của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư nếu chủ sở hữu nhà chung cư không tham dự. Theo quy định tại Điều 102 Luật nhà ở năm 2014, hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định các vấn đề sau: (i) Đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư;(ii) Thông qua, bổ sung, sửa đổi Quy chế hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư; quyết định mức phụ cấp trách nhiệm của các thành viên Ban quản trị và các chi phí hợp lý khác phục vụ hoạt động của Ban quản trị;(iii) Thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định tại Điều 106 của Luật nhà ở năm 2014 và việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;(iv) Quyết định lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chủ đầu tư không có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư hoặc có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhưng không tham gia quản lý vận hành hoặc tham gia quản lý vận hành nhưng không đáp ứng được các yêu cầu như đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp dịch vụ ký với Ban quản trị nhà chung cư;(v) Thông qua báo cáo về hoạt động quản lý vận hành, hoạt động bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư;(vi) Quyết định các nội dung khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, hội nghị nhà chung cư lần đầu quyết định các nội dung sau đây: (i) Quy chế họp hội nghị nhà chung cư (bao gồm họp lần đầu, họp thường niên và họp bất thường);(ii) Quy chế bầu Ban quản trị nhà chung cư, tên gọi của Ban quản trị, số lượng, danh sách thành viên Ban quản trị, Trưởng ban, Phó ban quản trị (nếu nhà chung cư có thành lập Ban quản trị); (iii) Sửa đổi, bổ sung nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư (nếu có); (iv) Các nội dung quy định tại Điểm đ Khoản 3 Điều này; riêng đối với giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thì hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở quy định của Quy chế này và thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành; (v) Các khoản kinh phí mà chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng góp trong quá trình sử dụng nhà chung cư; (vi) Các nội dung khác có liên quan.
Trong đó, chức năng quan trọng hơn cả của Hội nghị nhà chung cư lần đầu là bước đệm cho việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư. Bởi ban quản trị nhà chung cư có quyền nhận bàn giao, lưu trữ, quản lí hồ sơ nhà chung cư; tổ chức họp hội nghị nhà chung cư, thay mặt chủ sở hữu để thực hiện các quyền đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở; được thuê các dịch vụ riêng biệt để quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp nhà chung cư không yêu cầu phải có đơn vị quản lý vận hành…
Chủ đầu tư “trì hoãn” tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giải quyết như thế nào.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư: hội nghị của tòa nhà chung cư phải được tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao (bao gồm cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán). Trường hợp quá 12 tháng mà tòa nhà chung cư chưa có đủ 50% số căn hộ được bàn giao thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức sau khi có đủ 50% số căn hộ được bàn giao.
Theo quy định tại Khoản 5, Khoản 6 Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư: khi quá thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao mà chủ đầu tư không tiến hành tổ chức hội nghị nhà chung cư thì Uỷ ban nhân dân cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Kết quả của hội nghị nhà chung cư lần đầu do Ủy ban nhân dân cấp phường tổ chức có giá trị áp dụng đối với các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư như hội nghị nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức.
Do đó, trong trường hợp chủ đầu tư “trì hoãn” tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu quá 12 tháng kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% số căn hộ đã được bàn giao, đại diện chủ sở hữu căn hộ sẽ gửi đơn yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tới Ủy ban nhân dân cấp phường. Theo quan điểm cá nhân của Luật gia, việc một đại diện chủ sở hữu của một căn hộ có đơn yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, Ủy ban nhân dân cấp phường vẫn có trách nhiệm tổ chức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cư dân.
Bình luận