Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Hỏi: Vợ chồng tôi chỉ có một con trai, nay cháu lại muốn kết hôn với một cô gái mà gia đình cô ấy không "môn đăng hộ đối" với gia đình tôi. Tôi xin hỏi luật sư, vợ chồng tôi có thể yêu cầu trước khi cưới, con trai tôi và cô gái ấy phải ký cam kết không phân chia tài sản nếu ly hôn, hay không? (Đỗ Thị Mão-Hà Nội)
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Ngọc Minh -Công ty Luật TNHH Everest- trả lời:
Nam nữ kết hôn phải "môn đăng hộ đối" là tư tưởng lạc hậu, cần loại bỏ, song tiếc rằng, đây đó vẫn còn một số người suy nghĩ như trên. Để bạn đọc nói chung, bà Đỗ Thị Mão nói riêng tham khảo, tôi xin nêu những quy định của pháp luật về việc kết hôn.
Trước hết về điều kiện kết hôn, theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình, được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 9-6-2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2001 (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000), nam nữ có quyền kết hôn, nếu đáp ứng các điều kiện sau: nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của luật này. Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định các trường hợp cấm kết hôn như sau: người đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính.
Trường hợp con trai của bà Đỗ Thị Mão và cô gái ấy đủ điều kiện kết hôn và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định nêu trên thì họ có quyền kết hôn với nhau và không phải làm bất kỳ một cam kết nào, với bất kỳ người nào. Còn về "cam kết không phân chia tài sản nếu ly hôn", cần được hiểu rằng cam kết này thuộc giao dịch dân sự. Theo Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005, điều kiện tiên quyết để giao dịch dân sự có hiệu lực là "người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện", việc bà Đỗ Thị Mão yêu cầu con trai của mình và cô gái nọ phải ký cam kết không phân chia tài sản nếu ly hôn là cản trở việc kết hôn của họ, việc làm này trái quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã nêu ở trên. Mặt khác, nếu họ do muốn kết hôn nên phải đồng ý cam kết như bà yêu cầu thì trên thực tế, việc cam kết đó không có hiệu lực, vì không xuất phát từ sự tự nguyện của người viết cam kết.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận