-->

Bán nhà có cần chữ ký của con trai và con dâu không?

Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Dân sự, đối với tài sản được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận thì người được chuyển quyền sở hữu có quyền xác lập quyền sở hữu với tài sản đó.

Hỏi: Trước đây tôi có gia đình có 1 con trai và ly hôn nên tôi đã về nhà mẹ đẻ để sống và mẹ tôi cho tôi 1 miếng đất 100 m2 để nuôi con trai, đến lớn con trai có vợ nhưng là theo chung sống chứ không cưới hỏi. Con dâu và con tôi cùng chung sống 1 thời gian thì nhận ra con dâu tôi là 1 người xảo trá, lừa gạt tôi về tiền bạc, sau đó con dâu và con trai tôi về quê vợ để sống 1 thời gian 1 năm vế thăm tôi 1 lần (nhưng không giúp đỡ tôi về tiền bạc và tinh thần) đến khi tôi cất nhà xong thi con trai, con dâu và cháu tôi ở lại sống được vài tháng, nhưng vì tôi mắc nợ con trai và con dâu nhiều lần chửi tôi, vô lễ với tôi nên tôi định bán nhà (tôi đứng tên) trả nợ, con trai, con dâu và cháu tôi có tên trong sổ hộ khẩu, thì con trai va con dâu nói khi bán nhà thì phải chia làm 4 phần cho: Con trai, con dâu và cháu tôi,và tôi thì mới kí tên cho bán nhà. Đề nghị Luật sư tư vấn, trong trường hợp này con trai, con dâu và cháu tôi không cần kí tên tôi có bán được không? (Mỹ Hạnh - Cao Bằng)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phùng Thị Huyền - Tổ tư vấn pháp luật đất đai Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Liên quan đến vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của pháp luật như sau:

- Về quy định quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau: “1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp; 2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 3. Thu hoa lợi, lợi tức; 4. Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; 5. Được thừa kế tài sản; 6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên; 7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này; 8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định”. ( Điều 170)

Sau khi hôn nhân đổ vỡ, anh (chị) trở về nhà mẹ đẻ sống và được mẹ anh (chị) cho một miếng đất 100m2. Như vậy giữa anh (chị) và mẹ anh (chị) đã tồn tại một hợp đồng tặng cho tài sản là miếng đất đó. Căn cứ theo Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Dân sự, đối với tài sản được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận thì người được chuyển quyền sở hữu có quyền xác lập quyền sở hữu với tài sản đó.

- Căn cứ vào điều 170 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản”.

Hiện tại, anh (chị) là chủ sở hữu của mảnh đất. Chính vì vậy anh (Chị) có toàn quyền trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt miếng đất đó. Quyền chiếm hữu ở đây có nghĩa là anh (chị) có quyền nắm giữ, quản lý tài sản của mình. Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi ích từ tài sản. Anh (chị) có thể xây nhà để ở trên mảnh đất đó, xây của hàng buôn bán hay xây nhà trọ cho thuê....Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu tài sản đó. Điều này đồng nghĩa với việc anh (chị) có quyền bán, tặng cho hay nhượng lại mảnh đất đó cho bất cứ ai. Không ai có quyền can thiệp vào việc anh (chị) sẽ bán, tặng cho, chuyển nhượng hay không bán, không tặng cho, không chuyển nhượng mảnh đất đó.

Anh (chị) đã xây dựng được một ngôi nhà trên miếng đất mà mẹ anh (chị) cho, con trai và con dâu của anh (chị) không có bất kỳ sự giúp đỡ nào về tiền bạc, công sức cho việc bạn xây nhà. Anh (chị) muốn bán nhà đó để lấy tiền trả nợ nhưng con trai anh (chị) lại nói rằng nếu muốn bán nhà thì phải có chữ ký của con trai, con dâu và cháu trai của anh (chị) và số tiền khi bán nhà phải được chia làm bốn. Việc con trai anh (chị) nói như vậy là hoàn toàn không đúng. Nhà vẫn đứng tên của anh (chị), giữa anh (chị) và con trai không có bất cứ sự thỏa thuận chuyển quyền sở hữu miếng đất đó cho con trai anh (chị). Theo Khoản 2 Điều 169 quy định: “ Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình”. Chính vì vậy, anh (chị) là chủ sở hữu miếng đất, anh (chị) có toàn quyền quyết định việc anh (chị) bán nhà. Việc bán nhà chỉ cần mình anh (chị) đứng tên trong hợp đồng mua bán nhà, con trai, con dâu và cháu trai của ah (chị) không có quyền trong việc này.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật đất đai mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.