Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động
Hỏi: Hộ gia đình chúng tôi có một xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ đan lát quy mô vừa ở huyện. Hiện nay, có mấy cháu học sinh lớp 10 tới xin việc làm thêm. Chúng tôi băn khoăn, không rõ nếu nhận các cháu vào làm việc có phạm luật không. NhờLuật sư giải đáp giúp? (Nguyễn Hùng - Bắc Ninh)
Luật gia Nguyễn Thị Yến - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Liên quan tới vấn đề anh (chị) hỏi, chúng tôi xin trích dẫn một số quy định của . Bộ luật Lao động năm 2012 như sau:
- Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động: “1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động” (Điều 18).
- Lao động chưa thành niên: “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi” (Điều 161).
- Sử dụng người lao động chưa thành niên: “1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động. 2. Khi sử dụng người lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu” (Điều 162).
- Nguyên tắc sử dụng lao động là người chưa thành niên: “1. Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành. 2. Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. 3. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. 4. Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác; 5. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hoá” (Điều 163).
Về các công việc cấm không được sử dụng người lao động chưa phải là thành niên được quy định tại Thông tư số 10 năm 2013 Ban hành danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên. Căn cứ theo danh mục này, nghề thủ công mỹ nghệ đan lát không nằm trong danh mục nghề bị cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên nên xưởng nhà anh (chị) có thể tuyển công nhân là các bạn vừa tốt nghiệp cấp 2 và phải tuân thủ các quy định pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận