-->

Hợp đồng lao động với người chưa thành niên?

Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Hỏi: Tôi có thuê 1 cháu B 14 tuổi làm giúp việc gia đình và kí hợp đồng lao động với cháu B là 6 tháng, nhưng theo tôi được biết thì luật lao động có quy định rằng chỉ được giao kết hợp đồng lao động với người giúp việc từ 18 tuổi hoặc từ 15 đến dưới 18 tuổi. Vậy hợp đồng tôi kí với cháu B có hợp pháp hay không? Do hết thời hạn hợp đồng và tôi không có nhu cầu kí tiếp với B thì tôi phải tuân thủ thủ tục nào để chấm dứt HĐLĐ hợp pháp với cháu B 14 tuổi và kèm theo đó là cháu B sẽ được hưởng quyền lợi gì? (Ngô Minh Vương - Hà Giang)



>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, quy định về người lao động và các công việc dành cho người lao động dưới 15 tuổi: Tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”.

Ngoài ra, tại Điều 164 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về Sử dụng lao động dưới 15 tuổi như sau: “1. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. 2. Khi sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây: a) Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và phải được sự đồng ý của người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi; b) Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến giờ học tại trường học của trẻ em; c) Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi; 3. Không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc trừ một số công việc cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Khi sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc thì người sử dụng lao động phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Tại quy định danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc như sau: “I. DANH MỤC CÔNG VIỆC ĐƯỢC SỬ DỤNG NGƯỜI DƯỚI 13 TUỔI LÀM VIỆC: 1. Diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước). 2. Vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền”. II. DANH MỤC CÔNG VIỆC ĐƯỢC SỬ DỤNG NGƯỜI TỪ ĐỦ 13 TUỔI ĐẾN DƯỚI 15 TUỔI LÀM VIỆC: “1. Những công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc. 2. Các nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế. 3. Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he. 4. Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình. 5. Nuôi tằm. 6. Gói kẹo dừa”.

Trường hợp, giao kết hợp đồng lao động (giao dịch dân sự) với người chưa thành niên phải đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2005 như sau: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”.

Như vậy, khi giao kết hợp đồng với người lao động chưa thành niên cần phải đáp ứng 2 điều kiện về chủ thể giao kết và nội dung công việc. Khi đó, hợp đồng lao động mới được coi là hợp pháp. Việc anh (chị) giao kết hợp đồng lao động với B (14 tuổi) với công việc làm giúp việc gia đình không thuộc công việc quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH trên. Do đó, hợp đồng lao động giữa anh (chị) với B không có hiệu lực pháp luật.

Thứ hai, chấm dứt hợp đồng lao động với người chưa thành niên: Trường hợp Hợp đồng lao động được giao kết hợp pháp, được coi là chấm dứt HĐLĐ hợp pháp khi thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 như sau: “1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này. 2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. 3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động. 4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này. 5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án. 6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.…”.

Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, anh (chị) có quyền chấm dứt hợp đồng lao động khi không có nhu cầu.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.