-->

Điều lệ doanh nghiệp là gì?

Luật sư tư vấn về khái niệm, quy định của pháp luật, những nội dung cần có, vai trò của điều lệ công ty và một số các nội dung mà doanh nghiệp cần lưu ý khi soạn thảo điều lệ công ty.

Điều lệ công ty là bản cam kết của tất cả thành viên, cổ đông trong công ty khi thành lập và hoạt động. Điều lệ được xây dựng trên cơ sở pháp luật doanh nghiệp. Các nội dung khác của Điều lệ công ty do thành viên, cổ đông được phép tự thỏa thuận nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198
Luật sư Nguyễn Hoài Thương - Công ty Luật TNHH Everest- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198

Nội dung điều lệ công ty cần những gì?

Tự do thỏa thuận là nguyên tắc cơ bản áp dụng với điều lệ.Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.

Điều lệ của công ty là tài liệu nội bộ cơ bản điều chỉnh việc thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể công ty. Luật Doanh nghiệp 2014 quy định mười ba nội dung bắt buộc trong điều lệ công ty cổ phầncông ty trách nhiệm hữu hạn, gồm:

(a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
(b) Ngành, nghề kinh doanh;
(c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
(d) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
(đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; (e) Cơ cấu tổ chức quản lý;
(g) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
(h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
(i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
(k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
(l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
(m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
(n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

Đây là những nội dung tối thiểu cần được quy định trong điều lệ và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Việc quy định nội dung điều lệ như trên là cần thiết để bảo đảm dự thảo điều lệ được với cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận và có giá trị ràng buộc đối với các thành viên hoặc cổ đông.

Ngoài mười ba loại điều khoản bắt buộc phải có, các thành viên hoặc cổ đông có thể tự do thỏa thuận và quy định các nội dung khác trong điều lệ nhưng các nội dung khác này không được trái với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nói riêng và quy định pháp luật về doanh nghiệp nói chung.

Loại hình doanh nghiệp nào cần điều lệ công ty?


Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 các loại hình doanh nghiệp sau phải xây dựng điều lệ, gồm: (i) Công ty cổ phần; (ii) Công ty hợp danh; (iii) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; (iv) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp tư nhân không bắt buộc phải có điều lệ.

Để xin được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần cần nộp dự thảo bản điều lệ cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Đối với công ty đại chúng, điều lệ tương đối đơn giản và cơ quan đăng ký kinh doanh ở từng địa phương đều có điều lệ mẫu tham khảo. Điều lệ thường có hiệu lực tại thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.


Điều lệ công ty có vai trò gì?


Luật Doanh nghiệp năm 2014 xuất hiện lặp đi lặp lại rất nhiều lần các cụm từ như: “Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, “trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì…”, “do điều lệ công ty quy định”. Như vậy có thể thấy pháp luật đã thừa nhận vai trò quan trọng của Điều lệ công ty. Trong nhiều hoạt động của công ty cũng như những tranh chấp phát sinh, những quy định của điều lệ công ty nếu không trái pháp luật sẽ được ưu tiên áp dụng. Vậy, điều lệ công ty đóng vai trò thế nào?

(i) Cân bằng lợi ích, trách nhiệm giữa các thành viên trong công ty. Việc điều lệ ghi nhận phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cỏ đông sáng lập; cũng như nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh giúp đảm bảo lợi ích cho các thành viên. Tương ứng với lợi ích mà mỗi thành viên có được thì họ cũng cần thực hiện những trách nhiệm với công ty.

(ii) Tạo cơ chế vận hành: Khi công ty có một hệ thống tổ chức chặt chẽ, phân quyền rõ ràng thì hoạt động của công ty sẽ trơn chu, hiệu quả hơn rất nhiều. Với những gì được quy định trong điều lệ sẽ tạo ra cơ chế vận hành cho công ty, các thành viên của công ty tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh, từ đó các hoạt động sẽ dần đi vào ổn định và tạo đà phát triển.

(iii) Căn cứ giải quyết tranh chấp nội bộ: Mỗi công ty lại có một cơ chế hoạt động riêng, mỗi chủ sở hữu lại có áp dụng những “nghệ thuật kinh doanh” cũng như “triết lý lãnh đạo” riêng. Điều lệ phần nào phản ánh được các triết lý lãnh đạo của công ty. Cho nên, phương thức, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các công ty là hoàn toàn không giống nhau. Điều lệ chính là căn cứ để giải quyết những tranh chấp phát sinh giúp công ty tiếp tục hoạt động ổn định.

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp- Tổng đài tư vấn (24/7):1900 6198


Khi xây dựng điều lệ công ty, cần lưu ý gì?


(i) Cần xây dựng riêng cho công ty một bản điều lệ phù hợp với cơ cấu tổ chức, tình hình thực tế, tránh sao chép điều lệ của công ty khác.

(ii) Điều lệ công ty phải được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, thỏa thuận giữa các bên thông qua các bước họp, đàm phán và thảo luận.

(iii) Điều lệ có đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Các quy định trong điều lệ công ty không được trái pháp luật, hay nói cách khác, pháp luật trao cho công ty quyền tự quyết trong xây dựng điều lệ nhưng vẫn phải tuân thủ “sự tự do trong khuôn khổ”. Cũng như không xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba.

Khi bước chân vào thương trường kinh doanh, doanh nghiệp nên tìm đến sự giúp đỡ của các Luật sư tư vấn để xây dựng Điều lệ có lợi và hiệu quả nhất cho doanh nghiệp, không trái pháp luật và điều lệ phát huy được hiệu quả cao nhất.


Bài viết được thực hiện bởi: Luật sư Nguyễn Thị Hoài Thương - Luật sư của Công ty Luật TNHH Everest

Xem thêm:


Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected].