-->

Tách thửa đất, những điểm cần lưu ý

Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

Tách thửa đất là quy trình phân chia quyền sở hữu đất đai từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang nhiều đối tượng khác nhau. Việc tách thửa đất phải được thực hiện theo đúng những quy định của pháp luật.

Luật gia Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198
Luật gia Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Các trường hợp tách thửa đất

Thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân có thể tách thửa để thuận tiện cho việc chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế... quyền sử dụng đất. Bởi, nhiều cá nhân, hộ gia đình cùng dùng chung một thửa đất rất dễ gây tranh chấp, khó khăn trong việc đăng ký biến động quyền sử dụng đất.


Thứ hai, khi Nhà nước thu hồi đất, việc tách thửa là một trong những căn cứ để hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư khi đủ điều kiện (hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển chỗ ở theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai năm 2013, Điều 22 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP).

Diện tích tối thiểu được tách thửa đất

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 143 Luật đất đai năm 2013: “Căn cứ vào quỹ đất của địa phương và quy hoạch phát triển nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương”.

Khoản 31 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định về diện tích tối thiểu được tách sổ: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.

Như vậy, mỗi tỉnh khác nhau có thể có quy định về hạn mức tối thiểu được phép tách thửa khác nhau, được quy định tại Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ví dụ, tại Quảng Ninh, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân là 45m2 (Khoản 1 Điều 5 Quyết định số 1768/2014/QĐ-UBND về việc ban hành quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở, diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh).

Trình tự, thủ tục tách thửa đất

Thứ nhất, người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa. Theo quy định tại Khoản 11 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ khi thực hiện thủ tục tách thửa, bao gồm: (1) Đơn đề nghị tách thửa theo mẫu 11/ĐK, (2) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.

Thư hai, văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau: (1) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; (2) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa; (3) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

Thứ ba, thời hạn giải quyết hồ sơ tách thửa là không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định. Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện được tăng thêm 10 ngày. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.

Các khoản chi phí phải nộp khi tách thửa đất

Thứ nhất, phí đo đạc thửa đất: Chi phí đo đạc sẽ được tính trên diện tích, vị trí thửa đất, khối lượng, phạm vi công việc,vị trí di chuyển của người thực hiện đo đạc so với vị trí thửa đất,… Theo quy định tại Khi lựa chọn các đơn vị đo đạc, chủ sử dụng nên tham khảo một số bên để có lựa chọn hợp lý. Thông thường, chi phí đo đạc rơi vào khoảng 1.300.000 đồng - 1.500.000 đồng.

Thứ hai, lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 250/2016/TT-BTC hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Tùy từng điều kiện cụ thể của từng địa bàn và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà quy định mức thu cho phù hợp, đảm bảo nguyên tắc sau: Mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với hộ gia đình, cá nhân”. Do đó, tùy thuộc vào các tỉnh khác nhau, có thể quy định lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác nhau.

Bài viết thực hiện bởi luật gia Nguyễn Thị Mai - Công ty Luật TNHH Everest- Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Khuyến nghị:

  1. Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: [email protected].