-->

Việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp

Việc phân định thẩm quyền sơ thẩm giữa các cấp tòa án bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc được chính xác, đúng pháp luật. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về vấn đề này.

1- Việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp

[a] Cơ sở của việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp
Việc phân định thẩm quyền sơ thẩm giữa các cấp tòa án bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc được chính xác, đúng pháp luật. Ở Việt Nam, hệ thống tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Trong các tòa án chỉ có tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh là có thẩm quyền xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự. Do vậy, việc phân định thẩm quyền xét xử sơ thẩm giữa tòa án các cấp được thực hiện đối với tòa án nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Cơ sở của việc phân định thẩm quyền giữa các cấp tòa án cũng phải trên cơ sở đảm bảo thuận lợi cho việc tham gia tố tụng của đương sự cũng như hiệu quả thực tế của việc bảo vệ quyền lợi cho họ. Vì vậy, việc mở rộng thẩm quyền xét xử sơ thẩm của tòa án nhân dân cấp huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình và thuận lợi cho tòa án trong việc giải quyết nhanh chóng vụ việc, kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đây cũng là một giải pháp để giảm áp lực về công việc cho tòa án nhân dân cấp tỉnh, tạo điều kiện cho tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể tập trung vào việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm nhằm nâng cao chất lượng xét xử của tòa án.
Cơ sở của việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp
Cơ sở của việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp


[b] Thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp
Về nguyên tắc, tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm hầu hết các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án, trừ những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp đồi hỏi những điều kiện đặc biệt về chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ tòa án cũng như những điều kiện về phương tiện kỹ thuật, về uỷ thác tư pháp với nước ngoài hoặc những vụ việc mà việc giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện không đảm bảo sự vô tư, khách quan sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh. Hiện nay, các quy định của Điều 35 và Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp cũng tuân theo nguyên tắc này.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được sửa đổi thì tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ việc sau đây:
- Các tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền dân sự của tòa án; tranh chấp, yêu cầu về huỷ việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
- Một số tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận (khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015); yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (khoản 1 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
- Các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền của tòa án (Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015); yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu (khoản I Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).
Tuy vậy, đối với những tranh chấp, yêu cầu trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện.
Theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các loại vụ việc sau:
Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh; tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thế, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyến đổi hình thức tổ chức của công ty; các yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại; yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam; yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
- Đối với những tranh chấp, yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của tòa án nước ngoài; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài; yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại, phán quyết lao động của trọng tài nước ngoài.
Ngoài ra, tòa án nhân dân cấp tỉnh còn có thẩm quyền sơ thẩm những vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện mà tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tòa án nhân dân cấp huyện. Thông thường, tòa án nhân dân cấp tỉnh có thể lấy những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện để giải quyết trong những trường hợp việc vận dụng pháp luật, chính sách có nhiều khó khăn, phức tạp; việc điều tra thu thập chứng cứ có nhiều khó khăn hoặc phải giám định kỹ thuật phức tạp; đương sự là cán bộ chủ chốt ở địa phương, những người có uy tín trong tôn giáo mà xét thấy việc xét xử ở tòa án nhân dân cấp huyện không có lợi về chính trị hoặc vụ việc có liên quan đến thẩm phán, phó chánh án, chánh án tòa án nhân dân cấp huyện. Theo yêu cầu của đương sự, tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng có thế lấy những vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện lên để xét xử nếu xét thấy có lý do chính đáng.
Thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp
Thẩm quyền của tòa án nhân dân các cấp

2- Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

[a] Bài viết Việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp được chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
[b] Bài viết Việc phân định thẩm quyền của tòa án các cấp có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
[c] Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý, hoặc thuê luật sư tư vấn cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: [email protected].