-->

Tranh chấp do không xác định được di sản thừa kế

Mỗi thành viên chỉ có quyền định đoạt trong phạm vi phần di sản mình được thừa kế và khi người con út thực hiện việc xây dựng vượt quá phần di sản mình được hưởng.

Hỏi:Ông A và bà B có với nhau 05 người con, năm 1990 ông A mất, đến năm 2009 bà B sức khỏe yếu nên lập di chúc chia tài sản là đất đai cho các (khi lập di chúc bà không tự viết mà nhờ con trai đầu viết bà ký tên, khi lập di chúc có nhiều người chứng kiến và có xác nhận của địa phương) di chúc chia diện tích đất 2000m vuông thành 04 phần bằng nhau: 01 phần dành cho con trai đầu, 01 phần dành cho con trai út, 01 phần cho 03 cô con gái và 01 phần bà ở đến khi nào chết thì cho cháu đích tôn (con trai của con đầu). Sau khi bà B mất người con trai út về dựng nhà tranh dành hết diện tích đất này nên các người con khác của bà B khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản theo di chúc (khởi kiện năm 2014).Đề nghị Luật sư tư vấn,cách chia như thế nào, các nguyên đơn phải làm những gì? (Thu Phương - Hải Dương)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, về hiệu lực di chúc của bà B, bà không tự viết được và ủy quyền cho người con trai viết và bà ký tên, có người làm chứng và xác nhận của địa phương. Điều 656 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định di chúc bằng văn bản có người làm chứng như sau: “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”. Do vậy di chúc của bà B là có giá trị pháp lý.

Thứ hai, thời điểm khởi kiện là năm 2014, do đó vẫn phù hợp với quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện đối với quyền thừa kế.

Thứ ba, về việc phân chia di sản. theo thông tin bạn cung cấp thì bạn không nói cụ thể mảnh đất này là tài sản riêng hay tài sản chung của ông A và bà B hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên chúng tôi sẽ chia làm hai trường hợp như sau.

Trường hợp 1: Mảnh đất này là tài sản riêng của ông A. Ông A mất không để lại di chúc.

Khi ông A mất, mảnh đất sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế đầu tiên và sẽ chia làm 6 phần bằng nhau (mỗi phần khoảng 333m2) Vậy nên khi bà B để lại di chúc thì bà chỉ có quyền định đoạt đối với phần đất 333m2 mình được hưởng. Cụ thể:Bà B được phần diện tích 333 / 4 = 83m2.Người con trai đầu được phần diện tích: 333 + 83 = 416m2.Người con út được phần diện tích: 416m2.Mỗi người con gái được phần diện tích: 333 + (83/3) = 360m2.

Trường hợp 2: Mảnh đất này là tài sản chung vợ chồng của ông A và bà B. Ông A mất không để lại di chúc.Khi ông A mất, mảnh đất sẽ được chia theo pháp luật cho hàng thừa ké thứ nhất. Trước tiên mảnh đất sẽ được chia đôi theo nguyên tắc chia tài sản chung vợ chồng, một nửa cho bà B với phần diện tích là 1000m2. Phần nửa diện tích còn lại sẽ được chia theo hàng thừa kế thứ nhất làm 6 phần bằng nhau (mỗi phần khoảng 166m2). Như vậy, sau khi ông A mất:Phần diện tích bà B được hưởng là: 1166m2;Phần diện tích 5 người con được hưởng, mỗi phần là 166m2.

Tiếp theo, khi bà B để lại di chúc thì bà chỉ có quyền định đoạt đối với phần đất mình được hưởng. Cụ thể, khi chia phần đất 1166m2 làm 4 phần bằng nhau theo như di chúc (khoảng 291m2):Bà B được phần diện tích: 291m2;Người con trai đầu được phần diện tích: 166 + 291 = 457m2;Người con trai út được phần diện tích: 427m2;Mỗi người con gái được phần diện tích: 166 + (291/3) = 263m2.

Như vậy mỗi thành viên chỉ có quyền định đoạt trong phạm vi phần di sản mình được thừa kế và khi người con út thực hiện việc xây dựng vượt quá phần di sản mình được hưởng và ảnh hưởng đến quyền lợi của các đồng thừa kế khác thì các thành viên trong gia đình có thể kiện ra Tòa để giải quyết nếu không thỏa thuận được với người con út.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.