-->

Thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10% tài sản thiệt hại

Ở Việt Nam, những biểu hiện phức tạp đặc thù của tham nhũng rất đa dạng, muôn vẻ sắc thái, loại hình, mức độ, cũng như hậu quả.

Tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, tham nhũng và tham ô thường xuất hiện nhiều hơn từ các nước có nền kinh tế kém phát triển hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người thấp, bởi ở các nước này, con người thường có ý đồ nắm các cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo để tham nhũng. Riêng ở những nước kinh tế phát triển, có mức thu nhập bình quân đầu người cao, các cá nhân có sở hữu tài sản lớn mới bắt đầu tham gia chính trường để làm lãnh đạo.
Luật sư tư vấn pháp luật 24/7, gọi 1900 8198
Luật sư tư vấn pháp luật 24/7, gọi: 1900 6198

Ở Việt Nam, những biểu hiện phức tạp đặc thù của tham nhũng rất đa dạng, muôn vẻ sắc thái, loại hình, mức độ, cũng như hậu quả.

Để hiểu thêm về những khó khăn trong phòng chống tệ nạn tham nhũng nói chung và nguyên nhân, cách xử lý, giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng, Truyền hình Quốc hội đã có một buổi phỏng vấn với Luật sư Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest.

<?> Thưa Luật sư, qua quá trình xem xét, theo dõi các vụ án liên quan đến tham nhũng, Luật sư đánh giá như thế nào về việc xử lý tài sản bất minh và thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua?

Tại Điều 4 và Điều 70 của Luật Phòng chống tham nhũng có đưa ra các nguyên tắc xử lý tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng. Theo đó:
(i) Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật;
(ii) Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi, tịch thu tài sản tham nhũng;
(iii) Tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước. 3.
(iv) Người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện hành vi đưa hối lộ thì được trả lại tài sản đã dùng để hối lộ;
(v) Việc tịch thu tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, việc thu hồi tài sản do tham nhũng thấp hơn nhiều so với số tài sản bị thất thoát là một trong những hạn chế lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của nước ta. Trong những năm qua, lực lượng chức năng đã thực thi nhiều biện pháp để tăng cường việc thu hồi tài sản do tham nhũng nhưng kết quả vẫn hạn chế.

Một tổng kết tại dự thảo dự án luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy: Trong 10 năm, thiệt hại do tham nhũng gây ra là hơn 59.750 tỷ đồng (60 ngàn tỉ đồng) và 400ha đất, nhưng mới thu hồi được 4.676 tỷ đồng (gần 6.700 tỉ đồng) và 216 ha đất (hơn 200 ha đất), tức trên - dưới 10%. Qua các báo cáo cho thấy việc thu hồi tài sản tham nhũng được xác định là một trong những việc khó khăn nhất trong việc phòng, chống tham nhũng do những quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng. Đây là một trong những cản trở chính của việc thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam.

Ví dụ điển hình:

- Vụ án Vinalines, đang do Cục THADS TP. Hà Nội tổ chức thi hành. Theo án tuyên, Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi chậm thi hành án. Đến nay đã thi hành được trên 21 tỷ đồng. Khoản còn lại phải thi hành trên 88,5 tỷ đồng, nhưng tiến hành xác minh Dương Chí Dũng không còn tài sản gì để thi hành án.

- Vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Theo quyết định thi hành án Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương Vinashin gần 900 tỉ đồng (số tiền 989.201.327.298 đồng) và tiền lãi chậm thi hành án; chia theo phần Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm mỗi người phải bồi thường gần 500 tỉ đồng, (Phạm Thanh Bình phải bồi thường 494.058.382.338 đồng, Trần Văn Liêm phải bồi thường 495.142.944.960 đồng, và tiền lãi chậm thi hành án). Tuy nhiên, đến thời điểm đầu tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Qua xác minh điều kiện thi hành án theo quy định, kết quả xác định ông Phạm Thanh Bình và ông Trần Văn Liêm đang chấp hành án phạt tù dài hạn, không có tài sản để thi hành án.
Gần đây nhất, hàng loạt vụ án tham nhũng đã được phát hiện, nhiều vụ án đã được Tòa án phán quyết và nhiều vụ án đang trong quá trình điều tra, xử lý. Hiện đang nổi lên là vụ Trịnh Xuân Thanh gây ra những thất thoát hàng nghìn tỷ khi còn là lãnh đạo của PVC. Số tiền của Nhà nước bị thất thoát, mất đi là rất lớn nhưng chưa th ấy cơ quan chức năng có giải pháp thu hồi tài sản này. Nhiều khả năng, trong vụ án này, tài sản Nhà nước thu hồi lại được rất nhỏ so với tài sản tham nhũng.
Kết luận: Nếu không thu hồi được tài sản nhà nước đã bị thất thoát, mà chỉ nhằm vào xử lý hình sự các cá nhân vi phạm, thì chưa đạt được mục đích cuối cùng là chống tham nhũng. Mục đích cuối cùng của chống tham nhũng là vừa phải trừng trị đích đáng, đúng pháp luật kẻ tham nhũng nhưng cũng phải thu hồi được tối đa tài sản đã bị thất thoát để trả lại cho nhân dân.

<?> Vậy theo Luật sư, nguyên nhân vì sao mà việc thu hồi tài sản tham nhũngchỉ đạt có dưới 10%?

Theo quan điểm của cá nhân tôi, có nhiều nguyên nhẫn dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng không đạt hiệu quả:

Thứ nhất, quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và chế tài xử lý đối với những người tẩu tán tài sản tham nhũng thiếu và thiếu đồng bộ.

Việt Nam tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng, đã ban hành rất nhiều luật như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Tương trợ tư pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án hình sự… Các văn bản pháp luật này tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, hiệu quả thi hành các văn bản luật này không cao. Bởi:

Các quy định của pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng phần lớn mang tính nguyên tắc, quy định trách nhiệm của từng cơ quan và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chưa rõ ràng; việc nội luật hóa các quy định về thu hồi tài sản theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng còn chậm. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự còn thiếu những tội phạm mà trong đó tham nhũng "ẩn nấp" như tội làm giàu bất chính hay tội nhận quà biếu có giá trị lớn.

Pháp luật quy định tài sản bị tịch thu gồm tài sản tham nhũng và tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng đã gây ra khó khăn trong thực tiễn khi phải chứng minh nguồn gốc của tài sản tham nhũng. Ngoài ra, hình phạt tiền, tịch thu tài sản đối với tội phạm tham nhũng chỉ mang tính tùy nghi mà không bắt buộc nên thực tiễn ít được áp dụng. Bộ luật Tố tụng hình sự còn thiếu những giải pháp cho phép truy tìm tài sản tham nhũng, nhất là tài sản ở người thứ ba; không coi tài sản do phạm tội mà có, thiệt hại (trực tiếp và gián tiếp) là đối tượng bắt buộc chứng minh để làm căn cứ cho việc thu hồi tài sản, áp dụng các biện pháp tư pháp hiệu quả.

Thứ hai, tội phạm tham nhũng luôn có xu hướng che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản. Việc thu hồi tài sản tham nhũng lâu nay gặp khó khăn do phải thực hiện qua kênh duy nhất là truy tố, xét xử, có bản án, sau đó mới kê biên tài sản. Thực tế này khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản.

Thứ ba, trong nhiều vụ án tham nhũng, hành vi tham nhũng đã thực hiện nhiều năm trước nên đối tượng đã sử dụng tài sản tham nhũng vào các mục đích khác nhau, tiêu xài cá nhân hoang phí hay đã cất giấu, chuyển hóa tài sản nên đến khi xét xử, rõ bản án thì tài sản đã bị tẩu tán hết, không còn điều kiện để thi hành.

Thứ tư, các biện pháp ngăn chặn trong giải quyết các vụ án tham nhũng được áp dụng theo các căn cứ có thẩm quyền chung, không có biện pháp căn cứ riêng; thiếu các biện pháp, thông tin xác minh tài sản hoặc việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, kê biên hoặc truy nguyên nguồn gốc tài sản, thu nhập của bị can, bị cáo và các đối tượng có liên quan không được thực hiện một cách kịp thời. Nhiều trường hợp khi phát hiện ra thì tài sản đã bị tẩu tán, chuyển dịch, thậm chí ra nước ngoài khiếu cho quá trình xử lý, thu hồi tài sản không hiệu quả.

<?> Để có thể xử lý được với tài sản bất minh và thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả? Trong thời gian tới chúng ta cần phải có quy định như thế nào trong luật, cũng như thực hiện các giải pháp gì trong thực tế thưa Luật sư?

Công tác phòng, chống tham nhũng vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là nhiệm vụ then chốt, mang tính “sống còn” trong công cuộc xử lý tội phạm tham nhũng. Theo đó, để thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng, cần tập trung giải quyết 02 (hai) nhóm giải pháp: (1) nhóm giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành tài sản, thu nhập bất minh, và: (2) nhóm giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng đã được hình thành. Như vậy, sửa đổi luật cần theo hướng này.

Thứ nhất, xác định phạm vi kê khai, minh bạch thu nhập, tài sản đúng đối tượng và thực chất chứ không dàn trải, hình thức.

Theo đó, ở những quốc gia phòng, chống tham nhũng và thu hồi hiệu quả tài sản tham nhũng, thường chỉ xác định những người có nguy cơ tham nhũng cao mới phải kê khai, minh bạch tài sản chứ không phải đối với tất cả các công chức.

Kinh nghiệm cho thấy, các nước Bắc Âu (Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy…) chỉ yêu cầu kê khai, minh bạch tài sản đối với thành viên của nghị viện và chính phủ.

Hay chỉ các quan chức/chính trị gia cao cấp mới phải kê khai như ở Singapore, Australia, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Anh, Hungary… Quan chức ở đây là các công chức cấp cao ở các bộ, ngành và những người đứng đầu cơ quan và những chính trị gia cao cấp là những người có chức vụ do được bầu. Ngoài ra, những người có liên quan đến các đối tượng bị kiểm soát nói trên cũng nằm trong diện phải kê khai, đó là: vợ/chồng, con, bố, mẹ, ông, bà, anh chị em ruột…

Thứ hai, quy định nội dung kê khai tài sản, thu nhập phải chặt chẽ, triệt để.

Bằng cách yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn kê khai con số chính xác về tất cả các khoản thu nhập, tài sản (tiền lương, thưởng, quà tặng, các khoản phí, lợi nhuận từ kinh doanh, kể cả thưởng từ công việc kinh doanh, bán hay cho thuê tài sản, đền bù bảo hiểm, trúng xổ số, thừa kế; các loại tài sản như nhà cửa, đất đai, phương tiện đi lại…) và xác định rõ nguồn gốc của thu nhập đó.

Ví dụ, ở Anh, thành viên của Nghị viện phải cung cấp chính xác từng khoản được thanh toán, bất kể lớn nhỏ hoặc thu nhập có được từ đất và tài sản (phải kê khai nếu thu nhập đó lớn hơn 10% so với lương hiện tại của một nghị sỹ).

Ở Đức, thành viên Nghị viện phải kê khai những quà tặng có giá trị trên 5.000 EUR. Trong khi đó thành viên Nghị viện Pháp phải kê khai bất kỳ quà tặng nào, bất kể giá trị của nó là bao nhiêu. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn yêu cầu kê khai cả các khoản chi tiêu, nhất là các khoản chi tiêu có giá trị lớn, kể cả các lợi ích phi vật chất như hứa hẹn về việc làm của vợ, chồng, con cái của người có chức vụ, quyền hạn…

Thứ ba, có các biện pháp đồng bộ để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ quyền hạn vì họ có nhiều cơ chế đồng bộ phục vụ cho quá trình này, ví dụ như: Kiểm soát chung về thu nhập của mọi công dân thông qua việc kê khai nộp thuế và quản lý thuế thu nhập cá nhân; áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng tiền mặt và kiểm soát các giao dịch có giá trị lớn; có các cơ quan thực hiện chức năng và thẩm quyền theo dõi, kiểm soát các khoản thu nhập, chi tiêu của những người có chức vụ, quyền hạn khi xác định có tài sản tăng lên bất thường nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng; có kênh theo dõi giao dịch của các tổ chức tín dụng và có hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản để giám sát các khoản chi tiêu nhằm phát hiện các trường hợp chi tiêu của công chức không cân xứng so với thu nhập chính thức mà họ đã kê khai hoặc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài; sử dụng kênh giám sát xã hội bằng cách thông tin tài sản, thu nhập của công chức được đăng tải trên báo chí hay internet và ngoài những nội dung được đăng tải thì người dân, cơ quan truyền thông hay cơ quan công quyền khác có thể yêu cầu được tiếp cận các thông tin không được công khai…

Thứ tư, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm, chế tài nghiêm khắc trong xử phạt vi phạm.

Ví dụ: Điều 20 Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng - quy định về hành vi làm giàu bất hợp pháp: “Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy”. Việt Nam khi xây dựng BLHS mới có đề cập tới tội phạm này, nhưng sau đó không đưa vào luật.

Đối với việc kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, kê khai gian dối, một số quốc gia sẽ xem xét xử lý theo Luật hành chính hoặc Luật hình sự. Ví dụ: Ở Pháp, khi những người phải kê khai tài sản, thu nhập cố ý không khai báo một phần đáng kể tài sản hoặc cung cấp một định giá sai về các tài sản của họ, thì những người này sẽ bị phạt đến 30.000 Euros và có thể kèm theo việc cấm các quyền dân sự hoặc cấm nắm giữ chức vụ của họ. Tại Trung Quốc còn quy định hành vi không thông báo về thông tin tài khoản mở ở ngân hàng nước ngoài là tội phạm trong BLHS.

Rõ ràng, với cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thiết kế và tổ chức một cách thực chất và đồng bộ như vậy sẽ ngăn chặn được tối đa hành vi “tẩu tán” tài sản bất minh trong đó có tài sản tham nhũng. Đồng nghĩa với việc sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở các giai đoạn về sau.

Thứ năm, cần những biện pháp tịch thu tài sản bất minh ngoài bản án hình sự.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng thông qua quy trình truyền thống, nghĩa là qua kênh tố tụng hình sự và bản án kết tội của tòa, thường ít mang lại hiệu quả. Do vậy, nhiều nước đã lựa chọn cách thức tịch thu tài sản mà không cần bản án hình sự như Australia, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ý cùng nhiều nước tại EU…

Pháp cho phép cơ quan quản lý và thu hồi tài sản bị thu giữ và tịch thu trực thuộc Bộ Tư pháp và Bộ tài chính & ngân sách (Agrasc) tịch thu tài sản phi pháp và bán đấu giá ngay cả trước khi có phiên tòa xét xử. Đồng thời còn nới rộng những loại tài sản có thể bị niêm phong và tịch thu, người bị tịch thu cần phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp thì mới có thể lấy lại được những tài sản khổng lồ bị niêm phong.

Cách thức áp dụng biện pháp tịch thu tài sản mà không cần bản án hình sự ở mỗi nước có khác nhau nhưng đều có điểm chung là hướng vào tài sản bất minh (phi pháp, không rõ nguồn gốc): đối với những tài sản mà đương sự không giải trình được nguồn gốc thì sẽ bị tịch thu. Theo đó, các biện pháp dân sự đã được nhiều nước áp dụng bổ sung cho biện pháp hình sự trong việc thu hồi tài sản bất minh nói chung và tài sản tham nhũng nói riêng.

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại, mà chỉ sử dụng vì mục đích nghiên cứu khoa học, hoặc phổ biến kiến thức pháp luật;
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi đây có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail: [email protected], [email protected].