-->

Thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức

Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Hỏi: Tôi có người bạn là công chức nhà nước bị vi phạm hành chính vào ngày 20/01/2014, sau đó ngày 12/04/2015 bạn tôi sinh con và được nghỉ thai sản 06 tháng, đến tháng 07/2015 bạn tôi bị toà án kết tội vi phạm pháp luật bị phạt tù 9 tháng cho hưởng án treo, sau thời gian nghỉ sinh 06 tháng bạn tôi đi làm trở lại và ngày 01/10/2015. Bạn tôi có nhận thông báo của sếp với nội dung, do nuôi con nhỏ dưới 12 tháng nên thời gian bị xử lý kỷ luật sẽ tiến hành vào 02 tháng (từ ngày 12/04/2016 đến ngày 12/06/2016). Vậy cho hỏi, trường hợp của bạn tôi có bị hết thời hiệu xử lý kỷ luật không? Cơ quan sẽ tiến hành kỷ luật bạn tôi theo thời gian trên có đúng quy định không? (Trung Trực - Hà Nam)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (26/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được xem là trường hợp chưa xem xét kỷ luật.

Điều 4 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định: "Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật: 1. Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép. 2. Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. 3. Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. 4. Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”.

Như vậy, công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét xử lý kỷ luật.

Thứ hai, thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức

Điều 80 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định: “Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng”.

Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định: “Thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức trong các trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định này không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật”.

Như vậy, khoảng thời gian bạn của bạn đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét xử lý kỷ luật. Khoảng thời gian này không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật. Cơ quan sẽ tiến hành xử lý kỷ luật bạn của bạn vào 02 tháng (từ ngày 12/04/2016 đến ngày 12/06/2016) là đúng theo quy định pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.