-->

Nghỉ dưỡng sức sau sinh dưới 14 ngày có phải tham gia đóng bảo hiểm không?

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Hỏi: Bên em có lao động nữ được báo giảm BHXH từ T11/15 - T4/16, T11/15 báo giảm ở mức đóng 2.568.000đ. Ngày nghỉ thực tế 14/11/2015 - 13/05/2016 (T5/16 sẽ phải báo tăng). Đến 14/5/16 đáng lẽ phải đi làm lại, nhưng do sức khỏe còn yếu nên NLĐ đã xin nghỉ dưỡng sức 7 ngày theo chế độ (Hồ sơ đề nghị giải quyết dưỡng sức tính 07 ngày từ 14/5/16-20/5/16). Đến 21/5/2016 hết chế độ dưỡng sức và phải đi làm lại. Sau do gia đình có việc đột xuất GĐ đã đồng ý với nguyện vọng của NLĐ là xin cho thôi việc luôn. Vậy em T5 báo tăng BHXH sau đó lại báo giảm luôn là T5 được không? (Nguyễn Đình Quang - Nam Định)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Văn Lâm - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 về mức hưởng chế độ thai sản. Cụ thể:

Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản: “2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, thông tin bạn cung cấp thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người lao động bắt đầu từ 14/11/2015-13/5/2016. Ngày 14/5/2016 người lao động đã hết thời hạn nghỉ hưởng chế độ và đi làm lại nhưng người lao động lại tiếp tục nghỉ từ 14/5-2015/2016 chế độ dưỡng sức sau sinh, nhưng do thời gian nghỉ dưới 14 ngày nên vẫn bắt buộc báo tăng bảo hiểm xã hội cho họ trong tháng 5. Trường hợp, công ty trốn không báo tăng mà làm thủ tục báo giảm luôn cho họ là vi phạm pháp luật, đương nhiên sau này khi phát hiện ra thời gian này vẫn sẽ bị truy thu theo quy định.

Trường hợp, sau nghỉ hưởng hết chế độ ngày 21/05/2016 người lao động lại làm đơn xin nghỉ luôn thì công ty lại tiếp tục làm thủ tục báo giảm cho cơ quan bảo hiểm và việc báo giảm này sẽ được tính vào tháng 6 khi người lao động đã nghỉ việc.

Thứ hai, trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản mà mức đóng bảo hiểm tăng từ 2.568.000 lên 2.889.000đồng nhưng nếu người lao động vẫn hưởng chế độ theo mức đóng 2.568.000đồng thì công ty không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh mức đóng đối với lao động đó. Trường hợp, người lao động đã nhận mức 2.889.000đồng thì sau này sẽ phải tiến hành truy thu đối với khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, đối với tháng 5 tức thời điểm mức đóng là 2.889.000đồng thì công ty bắt buộc phải điều chỉnh mức đóng sau đó mới thực hiện được báo giảm cho tháng 6 người lao động nghỉ việc.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.