Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2012.
Hỏi: Công ty chúng tôi đang nhận thêm nhiều đơn hàng, Giám đốc yêu cầu chúng tôi phải làm thêm giờ để hoàn thành sản phẩm và bàn giao cho khách sớm. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, tôi xin không làm thêm giờ nhưng Giám đốc không đồng ý vì đây là trường hợp đặc biệt nên tôi không được phép từ chối. Đề nghị Luật sư tư vấn việc Giám đốc bắt buộc tôi làm thêm giờ như vậy có đúng pháp luật không? (Nguyễn Thiện - Hưng Yên)
Luật gia Trần Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest- trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của Bộ luật Lao động 2012 (BLLĐ) để anh tham khảo, như sau:
“Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a. Được sự đồng ý của người lao động” (khoản 2 Điều 106).
“Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và người lao động không được từ chối trong các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
2. Thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa” (Điều 107).
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi được sự đồng ý của người lao động ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 107 BLLĐ kể trên. Trong trường hợp của anh, lý do “hoàn thành sản phẩm sớm để bàn giao cho khách hàng” không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 107 BLLĐ. Vì vậy, nếu anh không đồng ý thì người sử dụng lao động không được bắt buộc anh phải làm thêm giờ.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận