Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường...
Hỏi: Chị B là thủ kho của xí nghiệp H. Sau khi xuất hết hàng trong kho, chị B quên không khóa cửa kho trước khi về nên đã để mất một số tài sản trong kho như quạt điện, bàn ghế. Xí nghiệp H buộc chị B phải đền bù cho xí nghiệp một khoản tiền tương đương với số tiền xí nghiệp đã bỏ ra để mua những tài sản đó. Đề nghị Luật sư tư vấn, pháp luật quy định như thế nào về bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất do người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị và các tài sản khác của đơn vị? (Lê Xuân - Hà Nội)
Luật gia Lưu Thị Ngọc Anh - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khoản 2 Điều 130 Luật lao động 2012 quy định về bồi thường thiệt hại do người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị của đơn vị như sau: "Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”
Nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 131 Bộ luật lao động:
"1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này.”
Như vậy, trường hợp của chị B có lỗi do quên khóa cửa gây thiệt hại đến công ty nên chị B phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định bồi thường thiệt hại theo trách nhiệm vật chất ngoài việc phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế đồng thời khi quyết định mức bồi thường cần xét đến thực trạng hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6218, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận