-->

Ðại diện cho người đã thành niên mất năng lực hành vi

Mất năng lực hành vi dân sự là khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, điều kiện giám hộ

Đối với người được giám hộ

Mất năng lực hành vi. Theo BLDS Ðiều 58 khoản 2 điểm b và khoản 3, người mất năng lực hành vi dân sự phải có người giám hộ. Như vậy, khác với người làm luật năm 1995, các tác giả BLDS năm 2005 quy định việc giám hộ như là hệ quả của tình trạng mất năng lực hành vi, chứ không phải là một yếu tố của tình trạng đó.

Tình trạng mất năng lực hành vi, về phần mình, được định nghĩa tại BLDS Điều 22 khoản 1: “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.

Để tình trạng mất năng lực hành vi được ghi nhận, điều cần thiết là đương sự ở trong tình trạng không thể nhận thức được hành vi của mình do bệnh tâm thần hoặc bệnh tật gì đó khác. Bệnh tâm thần thì đã rõ. Còn các bệnh khác là một khái niệm rất rộng. Luật không xây dựng các tiêu chí nào khác, ngoài tiêu chí “không nhận thức, làm chủ được hành vi”, như là hậu quả của bệnh. Trong hầu như tất cả trường hợp, đó là các bệnh đặc trưng bằng sự tác động tiêu cực vào sự phát triển và khả năng vận hành bình thường của não, khiến cho quá trình nhận thức không thể diễn ra suôn sẻ.

Tình trạng bệnh tật phải được cơ quan giám định có thẩm quyền xác nhận. Thực ra, chỉ riêng việc xác nhận tình trạng bệnh tật của đương sự chưa đủ để đặt đương sự dưới chế độ giám hộ. Cần có một người nào đó có quyền và lợi ích liên quan yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố đương sự mất năng lực hành vi. Thông thường, đó là một người thân thuộc của người cần được giám hộ.

Theo Bộ luật tố tụng dân sự Điều 35 khoản 2 điểm a, Toà án có thẩm quyền xét xử là Toà án nơi cư trú của người mất năng lực hành vi. Bản án được tuyên, như đã nói, trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Về mặt lý thuyết, kết luận giám định không ràng buộc Toà án vào nghĩa vụ ra một bản án phù hợp với kết luận đó: nếu xét thấy kết luận không đáng tin cậy, Toà án có quyền yêu cầu giám định lại.

Đối với người giám hộ

Giám hộ đương nhiên. Một khi người đã thành niên mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình bị Toà tuyên bố mất năng lực hành vi, thì những người sau đây, theo thứ tự, sẽ trở thành giám hộ đương nhiên của người đó (Ðiều 62): vợ hoặc chồng, con cả, con kế tiếp, cha, mẹ. Quan hệ giám hộ đương nhiên phát sinh một cách đương nhiên do hiệu lực của bản án đặt người được giám hộ vào tình trạng mất năng lực hành vi.

Giám hộ được cử. Trong trường hợp một người bị tuyên bố mất năng lực hành vi không có người giám hộ đương nhiên, thì UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ. Thông thường, người được cử làm giám hộ là một trong những người thân thuộc của người được giám hộ; còn tổ chức được yêu cầu giám hộ thường là một tổ chức có thiên hướng hoạt động xã hội.

Điều kiện thủ tục

Giống như trường hợp giám hộ đối với người chưa thành niên. Các tác giả Nghị định số 158-CP ngày 27/12/2005 không phân biệt giữa đăng ký giám hộ đối với người chưa thành niên và đăng ký giám hộ đối với người thành niên mất năng lực hành vi; bởi vậy, việc đăng ký giám hộ đới với loại người sau này được thực hiện theo cùng các thủ tục như đối với người Theo BLDS năm 1995 Điều 68 khoản 2 điểm b chưa thành niên.

Cơ chế giám hộ

Tình trạng của người được giám hộ. Người bị tuyên bố không có năng lực hành vi không có quyền tự mình xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Mọi giao dịch của người này đều do người giám hộ xác lập, thực hiện (Ðiều 22 khoản 2). Ðiều đó có nghĩa rằng các giao dịch do người được giám hộ tự mình xác lập và thực hiện sau ngày được đặt dưới sự giám hộ có thể bị tuyên bố vô hiệu (Ðiều 130 khoản 1).

Luật không có quy định rõ về giá trị của các giao dịch do người này xác lập trước ngày được giám hộ. Nói chung, giao dịch do người không có năng lực hành vi xác lập có thể bị tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của người giám hộ, không phân biệt giao dịch được xác lập trước hay sau ngày giám hộ; nhưng các giao dịch do người được giám hộ xác lập trước ngày bị tuyên bố mất năng lực hành vi chỉ có thể bị vô hiệu hoá trong trường hợp người được giám hộ không nhận thức được hành vi của mình lúc xác lập giao dịch.

Các di chúc do người được giám hộ lập trước ngày được đặt dưới chế độ giám hộ có thể bị tuyên bố vô hiệu, một khi có bằng chứng cho thấy người này không minh mẫn, sáng suốt lúc di chúc được lập (Ðiều 647 khoản 1 điểm a). Tuy nhiên, luật không trả lời câu hỏi liệu sau khi bị tuyên bố mất năng lực hành vi, người được giám hộ có hay không quyền lập di chúc. Trong logic của Điều 147 khoản 1, tình trạng mất năng lực hành vi tự nó không ảnh hưởng đến giá trị của di chúc: nếu tỉnh táo và tự nguyện, người mất năng lực hành vi vẫn có quyền lập di chúc, thậm chí không cần sự đồng ý của người giám hộ.

Người mất năng lực hành vi không thể kết hôn, dù có lúc tỉnh táo và mong muốn điều đó (Luật Hôn nhân và gia đình Điều 10 khoản 2). Thực ra, cho đến bây giờ, không ai hiểu tại sao người mất năng lực hành vi lại không thể kết hôn: nếu có một người nào đó chấp nhận kết hôn với người mất năng lực hành vi và bản thân người sau này, trong lúc tỉnh táo, cũng đồng ý, thì điều đó hoàn toàn tốt đẹp đối với người mất năng lực hành vi.

Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Người giám hộ cho người đã thành niên mất năng lực hành vi có các quyền và nghĩa vụ giống như người giám hộ cho người chưa thành niên dưới 15 tuổi, trừ nghĩa vụ giáo dục người được giám hộ. Ngoài ra, người giám hộ cho người đã thành niên còn có trách nhiệm chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ (Điều 67 khoản 1).

Chấm dứt việc giám hộ. Việc giám hộ cho người đã thành niên mất năng lực hành vi chấm dứt khi người được giám hộ chết hoặc khi có quyết định của Toà án huỷ bỏ quyết định tuyên bố đương sự bị mất năng lực hành vi. Hẳn quyết định của Toà án chỉ được ra trên cơ sở kết luận của cơ quan giám định có thẩm quyền. Người yêu cầu ra quyết định có thể là người giám hộ, đương sự hoặc bất kỳ người nào có quyền và lợi ích liên quan.

Sau khi việc giám hộ chấm dứt, người giám hộ tiến hành thanh toán tài sản giống như trong trường hợp giám hộ cho người chưa thành niên.

Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp


Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.