-->

UBND xã có thẩm quyền giải tỏa đất không?

Điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính.

Hỏi: Cho tôi hỏi, ở địa phương tôi có một hộ gia đình đất đã được cấp GCN QSDĐ năm 2006 diện tích 297 m2, đất giáp rãnh với ngõ đi vào nhưng gia đình đó đã xây cổng chiếm ngõ đi vào, nay ủy ban nhân xã muốn giải tỏa cổng ngõ mà gia đình họ đã xây để lấy phần ngõ vào đó làm hệ thống tiêu thoát nước.Vậy trình tự thủ tục để giải tỏa phần tường rào và cổng như thế nào, thẩm quyền của UBND xã có được ra quyết định giải tỏa công trình đó không, và có cần ra quyết định thu hồi phần đất đó không?( Hoàng Mạo - Hà Tĩnh)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lê Thị Hồng Sơn - Tổ tư vấn pháp luật Bất động sản của Công ty Luật Everest - trả lời:

Khoản 1, điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP Hành vi đó là hành vi lấn đất như sau:

"1.Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất".

Do hộ gia đình này có hành vi lấn chiếm ngõ đi vào. Loại đất bị lấn là đất phi nông nghiệp, cụ thể là đất ở theo quy định tại khoản 1, điều 143 và khoản 1, điều 144 Luật đất đai 2013.

Điều 143 quy định về Đất ở tại nông thôn như sau:

"1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Điều 144 quy định về Đất ở tại đô thị như sau:

"1. Đất ở tại đô thị bao gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".

Căn cứ vào Nghị định 102/2014/NĐ-CP thì hành vi lấn đất ở của hộ gia đình này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, cụ thể khung hình phạt mà hộ gia đình này phải chịu theo khoản 3 và 5 điều 10 của Nghị định là:

Điều 10 quy định về Lấn, chiếm đất như sau:

"3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này".

Và thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính này là thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã ( gọi chung cấp huyện), thẩm quyền này được quy định tại khoản điểm b và đ khoản 2 điều 31 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:

Điều 31 quy định về Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

"2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả".

Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; buộc làm thủ tục đính chính Giấy chứng nhận bị sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung; buộc hủy bỏ giấy tờ giả liên quan đến việc sử dụng đất; buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do vi phạm.

Như vậy, để dỡ bỏ phần cổng chiếm ngõ đi đó thì cần phải có quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Và hộ gia đình đó phải trả lại phần đất đã lấn, chứ không có quyền thu hồi phần đất mà họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.