-->

Tư vấn về việc công ty không trả lại sổ bảo hiểm

Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động còn làm việc và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc

Hỏi: Tôi tham gia đóng bảo hiểm từ tháng 10/2010 đến tháng 12/2014. Tôi nghỉ việc chuyển đơn vị khác nhưng đến nay Tôi vẫn chưa lấy được sổ bảo hiểm.Công ty cũ Tôi làm việc đã báo giảm tôi vào tháng 12/2014. Tôi đã liên hệ để lấy sổ bảo hiểm nhưng nhận được trả lời là vào năm 2016. Tôi biết công ty cũ tôi làm việc đang nợ tiền bảo hiểm.1. Với trường hợp của Tôi phải làm sao để lấy được sổ bảo hiểm? 2. Nếu trường hợp công ty này phá sản mà tôi vẫn chưa lấy được sổ thì phải làm thế nào? (Tâm - Nam Định)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Dương Thị Hải Yến - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

1.Làm thế nào để lấy lại được sổ bảo hiểm ?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm: “bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động còn làm việc” và “trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc”.

Đồng thời, tại Khoản 2,3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.

Trong trường hợp của bạn, bạn và công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động vào cuối năm 2014. Tuy nhiên đến nay, bạn vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm xã hội. Hành vi người sử dụng lao động cố tình không trả số bảo hiểm xã hội cho bạn đúng thời hạn đã vi phạm pháp luật về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 2 Điều 135 Luật bảo hiểm xã hội“không cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của luật này”.

Vì vậy, nếu bạn có đầy đủ bằng chứng chứng minh phía doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, cố tình chậm trễ việc trả sổ bảo hiểm xã hội, chốt sổ bảo hiểm xã hội cho bạn thì bạn có thể làm đơn khởi kiện đến tòa án.

Căn cứ điểm d Khoản 1 Điều 31; điểm c khoản 1 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sựthì “tranh chấp về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về lao động” thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Như vậy, bạn có thể nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp về việc chậm trả sổ bảo hiểm xã hội đến tòa án để giải quyết quyền lợi cho mình.

2. Trong trường hợp công ty này phá sản mà tôi vẫn chưa lấy được sổ thì phải làm như thế nào?

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 47, Bộ luật Lao độngthì: "Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".

Vì vậy, khi biết công ty chuẩn bị phá sản, bạn cần nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ, tài liệu gửi tới cơ quan Tòa án nhân dân chịu trách nhiệm thi hành thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp để yêu cầu và được nghe hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp của bạn.

Trong trường hợp công ty đã phá sản rồi mà bạn không biết và không thể liên lạc lại được nữa, thì bạn lập hồ sơ theo phiếu GNHS 305, trong đơn đề nghị (mẫu D01-TS) bạn cần ghi rõ khi nghỉ việc bạn chưa nhận lại sổ BHXH và nay công ty đã giải thể nộp tại cơ quan BHXH nơi công ty cũ đóng BHXH để được giải quyết cấp lại sổ BHXH và chốt sổ.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.