Người được hưởng di sản thừa kế có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nếu có căn cứ cho rằng việc chia thừa kế không đúng theo quy định của pháp luật
Hỏi: Gia đình tôi hiện đang có tranh chấp về đất đai và muốn xin ý kiến tư vấn của quý công ty. Sự việc cụ thể như sau: Cụ A có 4 người con, 2 người con trai là B C, 2 người con gái là D và E. Người anh cả B sống với cụ A còn C làm ăn, định cư xa nhà.Cụ A có hai thửa đất, trong đó thửa số 1 là đất thổ cư do tổ tiên để lại (không có giấy tờ) và thửa đất số 2 được Nhà nước giao từ năm 1956 trong cuộc cải cách ruộng đất (không có giấy tờ). Khi cụ A còn sống cụ có nói sẽ để lại toàn bộ đất đai nhà cửa cho hai con trai là B và C (có con gái là D chứng kiến).
Tuy nhiên, lợi dụng lúc cụ tuổi già không còn minh mẫn, B đã chia thửa đất số 1 của cụ cho hai con trai là X và Y. X được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 12/1/1999 còn Y cũng được cấp Giấy chứng nhận vào ngày 11/1/2011. Thửa đất số 2 cũng bị B kê khai và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 12/11/1999. Cụ A qua đời từ năm 2006. Năm 2007, C quay về xin chia đất thì B nói đất đó toàn bộ là đất của B.B có giấy chứng nhận đàng hoàng và B đãchia hết cho các con. Trong khi họp gia đình vài năm trước đó, B có nói: “ Chỗ đất của em C trên thửa đất số 1 mẹ để lại cho thì anh mượn để làm nhà cho cháu X, sau này em có quay về thì anh trả lại cho em”. Xin hỏi theo quy định của pháp luật C có đòi lại được phần đất cha mẹ chia cho mình không?
Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Trước khi B đăng ký xin được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng2 thửa đất là tài sản của cụ A.Việc người nào có được quyền sử dụng các thửa đất sau khi cụ mất phụ thuộc vào vấn đề di chúc của cụ. Như bạn đã mô tả, khi còn sống, cụ có nói sẽ để lại toàn bộ đất đai cho 2 con trai là B và C (có con gái D chứng kiến). Đây được coi là di chúc miệng của cụ A. Tuy nhiên, di chúc này không có hiệu lực pháp lý. Bởi xét theo khoản 5 điều 652 BLDS 2005 quy định về di chúc hợp pháp và điều 654 (BLDS 2005) quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc, thì di chúc miệng của cụ A không có hiệu lực pháp lý, bởi dùcon gái D của cụ A có thểkhông phải đối tượng không được làm chứng việc lập di chúctheo điều 654,nhưng theo khoản 5 điều 652, di chúc miệng phải được lập trước ít nhất 2 người làm chứng: "Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực".
Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc như sau:
"Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự".
Như vậy, trong trường hợp này, cụ A coi như không có di chúc. Tài sản của cụ sẽ được chia thừa kế theo pháp luật, chia đều cho 4 người con theo quy định tại khoản 1 điều 675 và điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 nếu việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của B là sai.
Điều 675Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
"1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản".
Điều 676Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
"1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản".
Vì vậy, để được hưởng thừa kế,cần làm rõ việc người con trai B xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất của cụ A là đúng hay sai. Như bạn mô tả, 2 thửa đất của cụ A không hề có giấy tờ về đất đai, vì vậy khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì phải được UNBD huyện xác nhận (theo quy định tại khoản 1điều 2 Luật Đất đai 1993),xem xét, xử lý theo quy địnhtại điều 2 mục I Công văn 1427/CV/ĐC về việc xem xét những giấy tờ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấtvà điều 2 mục I.2.4 thông tư 346/1998/TT - TCĐCthì mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Khuyến nghị:
- Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
- Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận