-->

Thuê người giúp việc có phải ký kết hợp đồng lao động?

Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận, tuy nhiên một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải tuân thủ thời hạn báo trước.

Khách hàng Phương Nhung (Hải Dương) đề nghị luật sư tư vấn về giao kết hợp đồng lao động với người giúp việc gia đình.

Tóm tắt yêu cầu của khách hàng: Hiện tại tôi đang mang bầu và sắp đến tháng sinh, chồng tôi lại thường xuyên đi công tác nên tôi có nhu cầu cần thuê người giúp việc. Tôi lại nghe nói khi sử dụng lao động làm giúp việc gia đình thì phải ký hợp đồng lao động. Vậy xin hỏi luật sư trong trường hợp này có bắt buộc phải ký hợp đồng lao động không? Nếu có thì hợp đồng cần những nội dung gì?
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Hoài Thương - Trưởng nhóm đăng ký doanh nghiệp của Công ty LuậtTNHH Everest - trả lời:

Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để chị tham khảo, như sau:

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình, như sau:

Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình: "1- Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình. 2- Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thoả thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. 3- Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở" (Điều 180).

Nội dung hợp đồng lao động: “Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây: (a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; (b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; (c) Công việc và địa điểm làm việc; (d) Thời hạn của hợp đồng lao động; (đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; (e) Chế độ nâng bậc, nâng lương; (g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; (i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; (k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề” (khoản1 Điều 23),

Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình, có hướng dẫn:

Người ký kết hợp đồng lao động: “1- Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây: (a) Chủ hộ; (b) Người được chủ hộ hoặc các chủ hộ ủy quyền hợp pháp; (c) Người được các thành viên trong hộ gia đình hoặc các hộ gia đình ủy quyền hợp pháp. 2- Người ký kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong số các trường hợp sau đây: (a) Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên; (b) Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi và có văn bản đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động” (Điều 4)

Hợp đồng lao động có những nội dung chủ yếu sau đây: “1- Các nội dung theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 của Bộ luật Lao động; 2- Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có); 3- Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn; 4- Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có); 5- Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động; 6- Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên” (Điều 7).

Theo quan điểm của chúng tôi thì: Pháp luật hiện hành hướng tới công nhận giúp việc gia đình là một nghề, đồng thời có những quy định bảo vệ quyền lợi cho người lao động là giúp việc gia đình (thường là bên yếu thế trong quan hệ lao động). Tuy nhiên, những quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của gia chủ (người sử dụng lao động). Do đó, luật có quy định khá chặt chẽ như khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình hai bên bắt buộc phải giao kết hợp đồng bằng văn bản; Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận, một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. Người ký kết hợp đồng lao động phải thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP và nội dung của hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 7 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected], [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.