-->

Thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 và những điểm cần lưu ý

Doanh nghiệp hy vọng luật mới sẽ tạo cho họ môi trường kinh doanh thuận lợi.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang hướng tới sự phù hợp với thực tế kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và tháo gỡ nhiều khó khăn, hạn chế, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng có một số quy định không thực sự "dễ" như nhiều doanh nghiệp nghĩ.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Thứ nhất, đăng ký doanh nghiệp: không “dễ" như nhiều người nghĩ.

Luật Doanh nghiệ năm 2014 đã tạo một bước đột phá mới khi quy định nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ không còn ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ còn các nội dung sau: "1- Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp. 2- Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp. 3- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn. 4- Vốn điều lệ."

Tuy nhiên, thực chất, khi tiến hành đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn phải đăng ký ngành nghề dự kiến hoạt động. Theo đó, ngành nghề được thể hiện cụ thể trên giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký thành lập (Điều 24 Luật Doanh nghiệp năm 2014). Ngoài ra, khi thay đổi ngành nghề kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, việc không ghi ngành nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không phải là một quy định “thoáng” hơn so với luật cũ, mà tinh thần của điều luật này cần phải được hiểu là nhằm thực hiện lộ trình chuyển tải các thông tin doanh nghiệp (trong đó có thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh) về một đầu mối thống nhất là Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thống nhất và dễ dàng các thông tin về doanh nghiệp cũng như giảm tải các công việc giấy tờ của các cơ quan nhà nước, từ đó phục vụ doanh nghiệp tốt hơn.

Ngoài ra, việc quy về cùng một đầu mối sẽ giúp tăng cường sự giám sát của xã hội đối với thông tin doanh nghiệp. Ý định xúc tiến lộ trình này được thể hiện rõ hơn tại điều 33 Luật Doanh nghiệp năm 2014: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc khi thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công bố công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm mới mà doanh nghiệp cần chú ý. Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005, hiện nay các doanh nghiệp vẫn thường lựa chọn phương thức công bố trên báo in hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.

Điểm đáng chú ý kế tiếp trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là sự tách bạch giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ không còn đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005. Khi đăng ký doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài phải được Sở kế hoạch và Đầu tư các địa phương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy đinh về con dấu của doanh nghiệp như sau: "1. Doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin sau đây: a- Tên doanh nghiệp; b- Mã số doanh nghiệp. 2- Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.3- Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty. 4- Con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật hoặc các bên giao dịch có thỏa thuận về việc sử dụng dấu. 5- Chính phủ quy định chi tiết Điều này."

Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp năm 2005 doanh nghiệp sẽ được quyền tự quyết định về hình thức, nội dung và cả số lượng con dấu. Tuy nhiên, nội dung trên con dấu vẫn phải thể hiện tên và mã số của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh sự thay đổi trong quy định về mẫu dấu là sự thay đổi trong quy định về số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Đây là một quy định hoàn toàn mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, đảm bảo tối đa sự tự do trong kinh doanh của doanh nghiệp nhưng trên tinh thần phải công khai, minh bạch thông qua yêu cầu bắt buộc phải thể hiện số lượng, chức danh, quyền và nghĩa vụ của (những) người đại diện theo pháp luật trong điều lệ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh, Luật Doanh nghiệp 2014 đã bãi bỏ các yêu cầu và điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, hài hòa thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thuế lao động, bảo hiểm xã hội…

Thứ hai, thay đổi quy định về vốn điều lệ và thời hạn góp vốn.

Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các nguyên tắc để xác định, đăng ký vốn thực góp của công ty, giải quyết tình trạng vốn không có thực (ảo) nhưng không thể xử lý được như hiện nay. Theo đó, Luật Doanh nghiệp năm 2014 áp dụng thống nhất thời hạn phải thanh toán đủ phần vốn góp khi thành lập công ty, quy định rút ngắn thời hạn góp vốn. Chủ sở hữu, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn là 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định thời hạn góp vốn tối đa đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và hai thành viên trở lên là 36 tháng. Vì vậy, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, các thành viên cần phải chú ý vấn đề thời hạn góp vốn để tránh những rủi ro pháp lý đáng tiếc xảy ra.

Một điểm mới khác là Luật Doanh nghiệp năm 2014 cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được giảm vốn điều lệ. Theo đó, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần nếu không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì được quyền đăng ký điều chỉnh giảm vốn bằng giá trị số vốn thực góp. Trong trường hợp này, chủ sở hữu/thành viên/cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ vốn điều lệ đã đăng ký góp, số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị phần vốn góp, mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn cam kết góp. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh giảm vốn bằng cách hoàn trả một phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty theo các điều kiện quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Thứ ba, công ty cổ phần được tự chọn cơ cấu tổ chức, quản lý.

Điều 134, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định công ty cổ phần có quyền chọn giữa hai mô hình sau:
"1- Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát; b- Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty. 2- Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty."

Như vậy, theo Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định công ty cổ phần có quyền chọn giữa hai mô hình sau:

Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc và ban kiểm soát (trường hợp có dưới 11 cổ đông thì không cần Ban kiểm soát).

Thứ hai, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị (thành viên và thành viên độc lập), giám đốc/tổng giám đốc. Trường hợp này bắt buộc phải có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị và phải có thành viên độc lập chiếm tối thiểu 20% thành viên của hội đồng quản trị.

Luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương - Phòng tư vấn doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198,sưu tầm, tổng hợp.

Nguồn tổng hợp:
[1]http://www.thesaigontimes.vn/132361/Thuc-hien-Luat-Doanh-nghiep-2014-nhung-diem-can-chu-y.html

Khuyến nghị:
  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].