-->

Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước

Luật sư tư vấn về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước.

Hỏi: Bố em cách đây khoảng 6 tháng có làm chức vụ trưởng thôn tại xóm Hồng Ninh. Bố em có đứng ra làm công việc chung là xây dựng nhà văn hóa cho dân làng. Để có được kinh phí xây dựng thì bố em đã phải tất bật đi xin các nhà tài trợ. Gần nhà văn hóa có 1 mảnh đất canh tác (dân làng vẫn cấy lúa), để có thêm kinh phí hoàn thiện ban xây dựng gồm trưởng ban là bố em, phó ban, thủ quỹ đã quyết định chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông T để chăn nuôi và đã nhận 80 triệu. Khi nhận tiền có chữ ký đầy đủ của trưởng thôn là trưởng ban (bố em), phó ban và thủ quỹ trên giấy. Số tiền trên đã được chi trả hết trong quá trình xây dựng. Nhưng sau đó cấp chính quyền xã có quyết định không được lấy đất canh tác để làm mục đích khác. Và Ông T cứ bảo bố em lừa, chiếm dụng tài sản chung làm tài sản cá nhân. Đề nghị Luật sư tư vấn, trường hợp này sẽ xử lý như thế nào? (Nguyễn Nam Anh - Thái Bình)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Bùi Ánh Vân - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

- Về việc quyết định chuyển nhượng mảnh đất trên cho ông T để chăn nuôi và đã nhận 80 triệu Việt Nam đồng là không đúng pháp luật, vi phạm Khoản 6 Điều 13 Luật đất đai năm 2013: "Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Theo quy định Điều 122 Bộ luật dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:

"1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định".

Căn cứ vào các quy định trên thì giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bố bạn, phó ban, thủ quỹ với ông T là giao dịch dân sự vô hiệu vì có nội dung trái pháp luật.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật...(Điều 137 Luật dân sự năm 2005). Tuy nhiên, trong trường hợp này đặt ra nghĩa vụ liên đới, vì không chỉ có bố bạn mà còn có phó ban và thủ quỹ cùng tham gia vào việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, theo Điều 298 Bộ Luật dân sự năm 2005 thì:

- Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ

- Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

Vì vậy nếu bố bạn trả 80 triệu cho ông T thì có quyền yêu cầu phó ban và thủ quỹ thực hiện nghĩa vụ liên đới của họ với bố bạn.

Về thủ tục, khi trả tiền bạn nên đề nghị ông T cùng viết một biên bản về việc trả tiền và công chứng tại UBND xã.

Khuyến nghị:
  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.