Trường hợp người sửu dụng đất nông nghiệp đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác và làm đơn trả lại đất cho nhà nước thì không có quyền đòi lại đất đã bán.
Hỏi: Gia đình tôi có một mảnh ruộng khoảng 1000m2 được nhà nước cấp sổ đỏ có hạn 20 năm, vào tháng 4/2014 mẹ tôi qua đời, trong nhà có 5 chị em ruột đang trong độ tuổi lao động nhưng vì mỗi đứa đi học xa nên không sản xuất được và cho người hàng xóm thuê làm và vẫn đóng thuế hàng năm đầy đủ. Đến tháng 06/2015 ba tôi làm đơn xin trả lại ruộng cho Nhà nước vì không có sức khoẻ để làm nhưng thực ra ba tôi đã bán cho người đang thuê mảnh ruộng đó, trong đơn có người nhận và người giao ký đồng thời có trưởng ban Quản Lý hợp tác xã và khu phố trưởng ở địa phương ký tên và đóng dấu. Đến thời điểm này tôi về quê thì thấy chỗ ruộng đó người ta đã xây chuồng trại chăn nuôi. Tôi muốn hỏi luật sư với ông Trưởng BQL HTX có đủ thẩm quyền để ký giấy giao nhận ruộng đó không? Người đang lấy mảnh đất đó có đúng pháp luật không? Và tôi có quyền lấy lại mảnh ruộng đó không? (Phí Bá Tưởng – Thái Bình)
Luật gia Phạm Hồng Phúc - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Điều 59 Luật đất đai năm 2013 quy định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất như sau:
“1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo; c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này; d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này; đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây: a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định; b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền”.
Như vậy, trưởng ban Quản Lý hợp tác xã không có quyền ký giao đất, trong trường hợp này trưởng ban Quản Lý hợp tác xã có thể đã ký với vai trò người làm chứng.
2. Người đang lấy mảnh đất đó có đúng pháp luật không?
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp phải thỏa mãn những điều kiện sau:
Thứ nhất, đối với bên chuyển nhượng quy định tại khoản 1 điều 179 Luật đất đai 2013:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế thì có các quyền và nghĩa vụ sau đây: a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này; b) Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác; c) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật....".
Thứ hai, đối với bên nhận chuyển nhượng quy định tại khoản 3 điều 191 Luật đất đai 2013:
“3. Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó”.
Ngoài ra, hai bên cũng cần tuân thủ quy định về diện tích đất nông nghiệp được phép chuyển nhượng quy định tại điều 44, điều 45 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Tại Khoản 2 Điều 689 Bộ luật dân sự 2005 quy định
"2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật."
Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này".
Theo các quy định trên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (mua bán đất đai) thì bắt buộc phải công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Nếu hợp đồng chuyển nhượng của bố bạn và bên kia thỏa mãn các điều kiện nêu trên, về chủ thể, nội dung, hình thức và đã sang tên người sử dụng thì việc bên kia sử dụng mảnh đất là hợp pháp.
3. Bạn có quyền lấy lại mảnh ruộng đó không?
Như đã phân tích ở trên, nếu nếu hợp đồng chuyển nhượng của bố bạn và bên kia thỏa mãn các điều kiện nêu trên, về chủ thể, nội dung, hình thức và đã sang tên người sử dụng thì việc bên kia sử dụng mảnh đất là hợp pháp. Như vậy, bạn không có quyền đòi lại mảnh đất.
Ngoài ra, bố bạn đã làm đơn trả lại đất cho nhà nước, như vậy, bạn cũng không có quyền với mảnh đất đó.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận