-->

Ra quyết định xử lý kỷ luật trong trường hợp người lao động tự ý bỏ về có đúng không?

Việc tham gia của người lao động trong cuộc họp xử lý kỷ luật lao động đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người lao động đó và đảm bảo tính công bằng trong hoạt động này.

Hỏi: Tôi vi phạm kỷ luật lao động và được công ty triệu tập tham gia phiên họp kỷ luật. Ngày mở cuộc họp thì tôi có tham gia nhưng gần cuối cuộc họp, do có việc đột xuất nên tôi xin phép về trước và công ty vẫn tiếp tục tiến hành cuộc họp. Sau đó 7 ngày thì công ty ra quyết định sa thải tôi, nhưng tôi không đồng ý. Nhờ luật sư tư vấn cho tôi việc sa thải tôi trong trường hợp tôi không có mặt ở đó có đúng hay không? (Phan Phương – Hải Phòng)

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Phạm Hải Anh - Tổ tư vấn pháp luật Lao động của Công ty Luật TNHH Everest - Trả lời:

Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 quy định trình tự xử lý kỷ luật lao động như sau:

“a)Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản”.

Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có đầy đủ các thành phần tham dự như Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi.

Theo khoản 3 Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì: “Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do”.

Như vậy, trong trường hợp này, anh đã tham gia cuộc họp xử lý kỷ luật của công ty nên cuộc họp này được tiến hành đúng trình tự xử lý kỷ luật lao động. Việc anh bỏ về lúc gần cuối cuộc họp tức là anh đã tự từ bỏ quyền tự bào chữa của mình, và phải thi hành theo quyết định của cuộc họp. Biên bản cuộc họp được lập thành văn bản và phải có chữ ký của tất cả các bên, trường hợp anh bỏ về thì trong biên bản sẽ ghi rõ lý do không ký là bỏ về của anh.

Như vậy, việc công ty ra quyết định kỷ luật sa thải đối với anh trong trường hợp anh có tham gia nhưng bỏ về giữa chừng là đúng theo quy định pháp luật.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.