-->

Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào Việt Nam theo những hình thức nào?

Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể lựa chọn một trong nhiều hình thức, phương thức đầu tư. Tuy nhiên, các hình thức, phương thức được nhà đầu tư lựa chọn phải theo khuôn khổ pháp luật về đầu tư tại Việt Nam.

Luật đầu tư 2014 có hiệu lực 1/7/2015 có những thay đổi đáng kể về các hình thức đầu tư so với Luật đầu tư 2005. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có thể lựa chọn một trong nhiều hình thức, phương thức đầu tư. Tuy nhiên, các hình thức, phương thức được nhà đầu tư lựa chọn phải theo khuôn khổ pháp luật về đầu tư tại Việt Nam.

Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198.
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định rõ các hình thức đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, có 4 hình thức đầu tư như sau:

  • Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế (Điều 22)
  • Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế (Điều 24)
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP (Điều 27)
  • Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Điều 28)
Thứ nhất, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 44 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư. Khác với Luật đầu tư 2005, Luật đầu tư năm 2014 quy định nhà đầu tư nước ngoài trước khi thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải có dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định phải xin giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (“GCNĐKĐT”).
Tuy nhiên để được cấp GCNĐKĐT, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ và các điều kiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ một số trường hợp hạn chế theo quy định của pháp luật về chứng khoán, về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ hai, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp vào tổ chức kinh tế

Đây là hình thức nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế để thực hiện hoạt động đầu tư. Việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế được quy định tại Điều 24, 25, 26 Luật Đầu tư 2014 và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, nhà đầu tư được quyền mua cổ phần, phần vốn góp hoặc góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức mà pháp luật cho phép để tham gia quản lý hoạt động đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần phải thực hiện đúng các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư và lộ trình mở cửa thị trường; đáp ứng điều kiện đầu tư trong trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Thứ ba, đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tư – PPP

Luật Đầu tư năm 2014 đã bỏ một số hình thức đầu tư như: hợp đồng BOT, BTO, BT; đầu tư phát triển kinh doanh; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp. Thay vào đó, Luật Đầu tư năm 2014 bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (hợp đồng PPP). Hình thức đầu tư theo hợp đồng PPP được quy định tại Điều 27 Luật đầu tư 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP thì có 7 loại hợp đồng dự án theo hình thức đối tác công tư bao gồm:
  • Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (hợp đồng BOT)
  • Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (hợp đồng BTO)
  • Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (hợp đồng BT)
  • Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (hợp đồng BOO)
  • Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (hợp đồng BTL)
  • Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (hợp đồng BLT)
  • Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (hợp đồng O&M)
Lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

Thứ tư, đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh – BCC
Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thì Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.
Như vậy, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới. Trong đó, quyền và nghĩa vụ của các bên không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới mà chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Hình thức đầu tư này đang ngày càng được nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn khi thực hiện các hoạt động đầu tư bởi chính ưu điểm nổi trội như:có thể hỗ trợ thiếu sót giữa các nhà đầu tư; do không thành lập pháp nhân nên nhà đầu tư thường chủ động, linh hoạt hơn và ít phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề của dự án đầu tư.
Tuy nhiên hình thức này cũng có một số nhược điểm nhất định xuất phát từ chính ưu điểm không thành lập pháp nhân mới do không có con dấu riêng… và các nhà đầu tư sẽ phải thỏa thuận lựa chọn một trong con dấu của các nhà đầu tư để phục vụ cho các hoạt động của dự án đầu tư… nên có thể gặp rắc rối và rủi ro cho nhà đầu tư.

Luật gia Trịnh Thị Khánh Ly- Phòng tư vấn cấp phép và đầu tư Công ty Luật TNHH Everest,tổng hợp.

Khuyến nghị:

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị đây chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19006198, E-mail: [email protected], [email protected].