Nghỉ việc riêng là nghỉ không hưởng lương, đúng không?

Trừ các trường hợp người lao động nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương, người lao động sẽ nghỉ không hưởng lương.

Hỏi: Tôi làm công ty của Nhật được 3,5 năm, đã kí hợp đồng vô thời hạn. Tôi xin nghỉ phép 1 ngày để về quê đám giỗ ngoại. Khi về tôi bị bệnh, nằm viện 3 ngày, khi đi làm lại Công ty không chấp nhận giấy nằm viện của tôi, bắt tôi phải viết đơn là nghỉ không được chấp thuận, thay vì nghỉ không hưởng lương ( tôi đã hết phép năm), kèm theo 1 tờ biên bản, và bắt tôi kí vào tờ giấy là sau này không được nghỉ việc riêng nữa, kể cả nghỉ phép năm. Tôi không chấp thuận thì công ty nói có quyền không kí đơn của tôi (mặc dù người khác thì vẫn kí), và có yêu cầu tôi viết đơn thôi việc. Tôi không viết thì công ty nói sau này sẽ không kí đơn của tôi, kể cả tôi nghỉ ốm. Nếu nghỉ thì sẽ không được chấp thuận và sẽ ăn biên bản, 3 tờ biên bản sẽ sa thải tôi. Xin hỏi công ty làm vậy là đúng hay sai, và khi sa thải tôi có đc nhận đầy đủ bảo hiểm thất nghiệp hay không? (Nguyễn Thị Thùy - Nghệ An)


>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Ngô Đức Cường - Tổ tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, người lao động tự ý nghỉ việc được coi là có lí do chính đáng trong các trường hợp sau: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động. Như vậy, việc chị nằm viện và có xác nhận của bệnh viện thì được coi là chị nghỉ việc có lý do chính đáng. Do đó, công ty không được phép bắt chị lập biên bản và yêu cầu chị nghỉ việc. Hành động tự ý này của người sử dụng lao động không có căn cứ pháp lý. Điều 116 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau: “1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây: a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày; b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày; c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết, con chết : nghỉ 03 ngày; 2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn; 3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”. Theo quy định của luật lao động, chị chỉ được nghỉ không hưởng lương 01 ngày trong một số trường hợp, nếu chị muốn nghỉ nhiều hơn thì cần phải có sự thỏa thuận và đồng ý của ngời sử dụng lao động. Nếu người sử dụng lao động không đồng ý cho chị nghỉ thì chị không được nghỉ, nếu chị vẫn nghỉ là chị tự ý bỏ việc. Nếu tự ý bỏ việc mà không có lí do chính đáng trong 05 ngày cộng dồn trong vòng 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm thì có thể bị sa thải.
Thứ hai, chế độ người lao động được hưởng sau khi bị sa thải: Nếu chị bị sa thải do lỗi của chị mà chị chưa tìm được việc làm mới thì chị có thể làm hồ sơ yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Căn cứ Điều 49 Luật việc làm năm 2013 quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động đang đang bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và trường hợp người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng; Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau: Thực hiện nghĩa vụ quân sự; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường gaios dưỡng, cơ sỏ giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết. Như vậy, trường hợp chị bị sa thải sẽ là một căn cứ để chị có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bên cạnh những điều kiện trên.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.