Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Hỏi: Năm 2013 bố tôi (sinh năm 1963) có đi sang Angola lao động phổ thông (có giấy tờ tùy thân đầy đủ). Trước khi sang thì họ bảo sẽ trả cho bố tôi mỗi tháng 20 triệu đồng và thanh toán theo tháng. Tuy nhiên vì quen biết nên khi sang bên đó bố tôi làm việc cho họ không có hợp đồng lao động. Năm đầu tiên ( 2013 ) thì mỗi tháng họ trả cho bố tôi 20 triệu đồng/ 1 tháng đúng như họ hứa Tuy nhiên từ năm 2014 tới thời điểm nay họ không trả tiền lương cho bố tôi.Cụ thể là: Đầu năm 2014 bố tôi làm cho chủ thầu thứ nhất ( tôi tạm gọi là anh A ) khoảng 7 tháng. Sau khi thấy lâu quá không trả lương bố tôi lại sang làm cho chủ thầu thứ 2 ( tạm gọi là anh B ) khoảng 5 tháng nữa và họ cũng không trả tiền Và quan hệ của anh A với anh B là anh em họ. Còn bố tôi với 2 anh em đó là người trong 1 làng.Vừa rồi anh A và anh B có về ăn Tết ở Việt Nam và tôi có đến trực tiếp gặp họ. Lần thứ nhất tôi gặp anh B, lần thứ 2 tôi gặp anh A. Cả hai lần nói chuyện tôi có ghi âm lại cuộc trò chuyện đó và họ thừa nhận là họ có sữ dụng lao động là bố tôi nhưng không ký kết hợp đồng với bố tôi. Họ còn thừa nhận còn nợ tiền lương bố tôi như thời gian tôi nói trên mỗi tháng là 20 triệu đồng ... Hai cuộc trò chuyện đó tôi có người làm chứng, máy ghi âm tôi đang giữ và sao lưu trên máy tính.Vậy cho tôi hỏi nếu tôi kiện anh A và anh B về tội sử dụng lao động không hợp pháp thì có được không? (Minh Tuấn - Hưng Yên)
Luật gia Phạm Thị Mai Phương - Tổ tư vấn pháp luật lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Thứ nhất, về lựa chọn luật áp dụng:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì: "Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác". Theo đó, Điều 758 xác định: "Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài". Như vậy, trong trường hợp của bạn, bố của bạn và hai người chủ thầu A, B kia đều là người Việt Nam, nhưng quan hệ lao động lại phát sinh ở Angola, theo như quy định trên, trường hợp có tranh chấp này sẽ được giải quyết theo pháp luật của Việt Nam.
Thứ hai, về việc không ký Hợp đồng lao động:
Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động về Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động thì:
"1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động...". Về hình thức của hợp đồng lao động, Điều 16 Bộ luật lao động có quy định đối với công việc trên 3 tháng thì HĐLĐ phải được ký kết bằng văn bản. Như vậy, khi người lao động muốn nhận người sử dụng lao động vào làm việc thì phải có trách nhiệm ký kết HĐLĐ với người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không ký HĐLĐ với người sử dụng lao động thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, cụ thể:1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Như vậy, trong trường hợp này, bố của bạn làm cho ông A với thời gian là 7 tháng, ông B là 5 tháng, và đều không ký kết hợp đồng lao động. Trường hợp này ông A và ông B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng vì hành vi không ký kết hợp đồng lao động với bố bạn.
Thứ ba, về việc không trả tiền lương:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì:
"3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên."
Đối với người sử dụng lao động là ông A và ông B thời gian đầu có trả lương cho bố bạn theo đúng hạn, tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay lại chậm trả lương. Trường hợp này ông A và ông B sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo như quy định tại khoản 3 điều luật trên (từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng). Ngoài ra pháp luật còn quy định về biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 6 Điều 13 Nghị định trên như sau:
"6. Biện pháp khắc phục hậu quả:a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này."
Như vậy, đối với trường hợp này, ông A và ông B ngoài việc bị xử phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 ra còn buộc phải trả đủ tiền lương và cả khoản tiền lãi phát sinh trong thời gian nợ lương bố của bạn, số tiền lãi suất này được tính theo tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm hiện nay.
Thứ tư, phương thức giải quyết:
Theo quy định tại Điều 36, Điều 37 Nghị định 95/2013/NĐ-CP (về thẩm quyền xử phạt) thì trường hợp này bạn có quyền làm đơn Tố cáo gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện hoặc Thanh tra Lao động thuộc Sở Lao động Thương binh và xã hội cấp tỉnh cùng với bản ghi âm mà bạn đã thu được để làm chứng cứ cho đơn Tố cáo của mình.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận