-->

Không ký kết hợp đồng lao động, có quyền sa thải nhân viên không?

Việc không ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có thể bị phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

Hỏi: Tôi làm cho một doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc có văn phòng tại Hà Nội được 4 năm nhưng giữa 2 bên không có ký kết hợp đồng lao động. Họ mở 1 văn phòng đại diện ở Hà Nội còn nhà máy sản xuất tại Ninh Bình. Đồng thời, trả lương trực tiếp bao gồm lương + tiền đóng BHXH cho người lao động bằng tiền mặt qua một cá nhân cũng làm việc trong công ty tại Việt Nam. Tôi xin nghỉ thai sản 04 tháng. Tuy nhiên, cách đây hơn 1 tuần người phụ trách người Việt gọi điện thông báo rằng phía nước ngoài sẽ cho tôi nghỉ việc luôn với lý do giảm biên chế, họ đã đủ người. Hiện tại tôi đã nghỉ chế độ thai sản được hơn 02 tháng. Bên công ty sa thải tôi trong thời gian này là vi phạm luật lao động và trái pháp luật không? Trong trường hợp này, có thể cho tôi biết chủ công ty của tôi đã vi phạm các điều khoản nào của luật lao động và tôi có thể kiện, cũng như đòi công ty phải bồi thường thiệt hại được không? (Phạm Hà- Hà Nam)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (26/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Minh Anh - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất, là việc không giao kết hợp đồng lao động đúng theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012: Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động: “1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động...".

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động: “1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói".

Theo đó công ty có nghĩa vụ phải giao kết hợp đồng với bạn, và hợp đồng phải được ký kết bằng văn bản. Việc không ký kết hợp đồng lao động công ty có thể bị phạt vi phạm hành chính theo nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Thứ hai, công ty ra quyết định sa thải bạn đã vi phạm các quy định sau của Bộ luật Lao động 2012: Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: “1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này. 2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý. 3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này. 4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ: “3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. 4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động".

Như vậy công ty đã vi phạm khoản 4 Điều 39, khoản 4 Điều 155 Bộ luật lao động 2012, là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với bạn. Công ty sẽ có nghĩa vụ theo điều 42 bộ luật lao động như sau: Nhận bạn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp bạn không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường ở trên, công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn nếu đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp Trường hợp công ty không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp thôi việc, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà bạn vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động. Vì công ty vi phạm quy định về thời hạn báo trước Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước (Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn, công ty phải bồi thường thêm một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bạn trong những ngày không báo trước.

Bạn có thể khiếu nại lên công ty và thương lượng theo các trường hợp trên , nếu công ty không đồng ý từ chối giải quyết, bạn có thể thực hiện theo hai phương thức: khởi kiện ra tòa án nhân dân tỉnh nơi công ty đặt trụ sở, hoặc khiếu nại lên chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội bằng cách nộp đơn khiếu nại kèm các bằng chứng.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.