-->

Đóng bảo hiểm tự nguyện thì được nhận lương hưu như thế nào?

Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hỏi: Tôi hiện đang tham gia bảo hiểm tự nguyện ở quận X. Trước khi về hưu tôi giảng dạy tại trường Y và đã đóng bảo hiểm bắt buộc được 16 năm 8 tháng. Tháng 5 năm 2014 tôi đủ 55 tuổi nên nhà trường cho tôi nghỉ hưu và tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện tại nơi cư trú cho đủ 20 năm. Tính đến nay tôi đã đóng tiếp được 24 tháng bảo hiểm tự nguyện. Còn thiếu khoảng 18 tháng nữa mới đủ 20 năm. vậy nếu tôi muốn đóng một lần cho số tháng thiếu đó thì phải làm như thế nào? Mức đóng hiện nay của tôi là 1.133.000 đ/tháng. Sau khi đóng nốt số tháng còn thiếu đó thì tôi có được nhận lương hưu ngay không? (Hạ Linh - Đồng Nai)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo thông tin chị cung cấp, chị đã đủ tuổi để được hưởng lương hưu. Căn cứ Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP: “Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 2 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

a) Đóng hằng tháng;

b) Đóng 03 tháng một lần;

c) Đóng 06 tháng một lần;

d) Đóng 12 tháng một lần;

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này”.

Vì chị còn 18 tháng nữa mới đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, do đó chị phải tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức được quy định tại điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì chị có thể đóng bảo hiểm xã hội một lần cho những tháng thiếu đó. Và mức bảo hiểm xã hội tự nguyện mà chị phải đóng được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP (chị có thể tự tham khảo).

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.