-->

Có được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi đang trong thời gian thụ án không?

Muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác thì bắt buộc phải có công chứng, chứng thực.

Hỏi: Gia đình tôi có một mảnh đất nay không sử dụng có sổ đỏ tôi đang giữ, sổ đỏ mang tên mẹ tôi. Tôi là con một, bố mẹ tôi đã ly hôn, tôi theo hộ khẩu nhà ngoại, còn mẹ tôi hiện không biết thuộc hộ khẩu nào và không tìm được. Hiện mẹ tôi đang thụ án tại Trung Quốc. Do hoàn cảnh gia đình đã chuyển đến tỉnh khác sinh sống nên không có nhu cầu sử dụng mảnh đất đó (hộ khẩu tôi vẫn ở tỉnh cũ) nên gia đình tôi muốn bán mảnh đất đó đi. Nhưng vì mẹ tôi đang ở trong tù nên tôi băn khoăn không biết làm thủ tục như thế nào, bởi sổ đỏ mang tên mẹ tôi nhưng hiện mẹ tôi không thể đứng ra làm hợp đồng mua bán. (Phạm Thị Lan - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất đống sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định”.Tuy nhiên, vì anh (chị) không nói rõ là trường hợp mẹ anh (chị) thụ án là do phạm tội gì nên chúng tôi xin tư vấn cho anh (chị) theo hai hướng như sau:

Trường hợp thứ nhất, nếu mẹ anh (chị) đang trong quá trình thụ án nhưng không thuộc trường hợp bị hạn chế năng lực pháp luật dân sự thì khi đó, mẹ anh (chị) vẫn có quyền thực hiện các quyền dân sự hợp pháp.

Hiện tại, gia đình anh (chị) muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác thì bắt buộc phải có công chứng, chứng thực. Do đó, vì mảnh đất có sổ đỏ mang tên mẹ anh (chị) nên để chuyển quyền sử dụng đất mảnh đất trên cho người khác, có thể thực hiện theo các cách như sau:

Một là, mẹ anh (chị) có thể ủy quyền cho anh (chị) thực hiện việc chuyển nhượng tài sản nói trên. Khi mẹ anh (chị) đang chấp hành hình phạt tù thì anh (chị) có thể liên hệ tổ chức hành nghề công chứng để tổ chức hành nghề công chứng đề nghị người có thẩm quyền của trại giam cho phép được gặp mẹ anh (chị) để thực hiện việc chứng thực văn bản ủy quyền cho anh (chị) thực hiện việc chuyển nhượng. Sau đó anh (chị) thay mặt mẹ mình thực hiện việc chuyển nhượng theo luật định.

Hai là, có thể thực hiện việc công chứng trực tiếp hợp đồng chuyển nhượng nhà ở tại trại giam.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng năm 2014 về Địa điểm công chứng:“2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng”.

Theo đó, khi có yêu cầu thực hiện việc công chứng của anh (chị), tổ chức hành nghề công chứng có thể làm văn bản đề nghị ban quản lý trại giam nơi giam giữu mẹ anh (chị), tạo điều kiện để các bên thực hiện quyền chuyển nhượng đất hợp pháp của mình.

Trường hợp thứ hai, nếu mẹ anh (chị) đang trong quá trình thụ án và theo quy định pháp luật Việt Nam bị hạn chế năng lực pháp luật dân sự thì khi đó, mẹ anh (chị) có thể ủy quyền cho anh (chị) thực hiện việc chuyển nhượng tài sản nói trên.

Khuyến nghị:
  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.