-->

Chia tài sản thừa kế không di chúc như thế nào?

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết...

Hỏi: Nhà ông bà nội em ở cạnh nhà em. Hiện tại ông bà còn sống, ở cùng ông bà là chú út bị tật nguyền không có vợ con và một chú kế út. Chú này có vợ (nghe nói đã ly hôn) và có 4 con nhỏ, chú không lo cho con cái, còn để bà em lo nuôi và chăm sóc hết cả 4 đứa con ( bà đã 85 tuổi). Mọi người và con cái bà em khuyên nên bán nhà và chia cho con cái nhưng bà em không chịu, nói khi bà chết ai làm gì thì làm. Bảo viết di chúc bà không chịu nghe. Giờ hộ khẩu nhà bà em có tất cả vợ chồng con cái chú đó (nghe nói ly hôn mà thím đó vẫn còn chưa cắt khẩu ). Bà em có 5 người con ở riêng rồi. Các cô bác nói bà, bà không nghe. Bà em đau không có tiền thuốc không có ăn mà bà không chịu bán nhà vì nói đất tổ tiên, ông chú bất hiếu đó mất dạy chửi anh chị mỗi lần về thăm bà nói về giành của. Nhà em ở bên bức xúc nhưng thương ông bà già yếu nên vẫn lo ăn, lo thuốc... Đề nghị Luật sư tư vấn, cứ như tình trạng này, khi ông bà em mất đi thì nhà của bà sẽ tính sao? (Đỗ Văn Đức - Phú Thọ)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hoàng Văn Việt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Thứ nhất: Về người được hưởng thừa kế theo pháp luật

Theo những thông tin anh (chị) cung cấp cho chúng tôi, nếu như khi ông bà anh (chị) mất đều không để lại di chúc thì phần di sản sẽ được chia theo pháp luật.

Căn cứ Điều 676 BLDS 2005 quy định về người thừa kế theo pháp luật: "1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại. 2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Anh (chị) cũng cần phải xác định tài sản này là tài sản chung hay riêng của ông bà anh (chị) trong thời kỳ hôn nhân. Trường hợp tài sản chung, thì số tài sản này sẽ thực hiện chia đôi theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Ở đây, giả sử bà anh (chị) mất trước, những người thừa kế thứ nhất sẽ bao gồm: Ông của anh (chị) và 7 người con ( chú út+ chú kế út + 5 người con ở riêng). Trường hợp nếu ông anh (chị) mất cũng không để lại di chúc, những người thừa kế hàng thứ nhất sẽ là 7 người con. Những người thừa kế trên được hưởng di sản như nhau.

Thứ 2: Người không được quyền hưởng di sản

Điều 643 BLDS 2005 quy định: “Những người sau đây không được quyền hưởng di sản: a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó; b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản; c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng; d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản…”.

Trường hợp có người thuộc một trong các trường hợp không được quyền hưởng di sản, thì phần di sản sẽ được chia đều cho những người còn lại được hưởng.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.