-->

Chia di sản để xây nhà từ đường, được không?

Sau khi được chia di sản theo đúng trình tự, thủ tục của Bộ luật Dân sự năm 2005, những người thừa kế có quyền tự định đoạt tài sản của mình.

Hỏi: Gia đình tôi gồm 7 anh chị em (có 1 anh con trai cả và 6 chị em gái). Tuy có con trai cả nhưng không may bị tai biến nên hiếm muộn con cái. Khi cha mất, em gái út trong nhà muốn chiếm nhà của cha không cho anh chị em vô nhà để cúng kiếng. Với lý do là đây là nhà thuộc quyền sở hữu của cô em út đó vì cô có tên trong sổ hộ khẩu, còn các anh chị em khác đã cắt tên khỏi sổ hộ khẩu. Nhưng từ lúc mà cô em út ly hôn với chồng thì cô đem con gái của mình về cho cha tôi nuôi từ nhỏ đến lớn, còn cô em út bỏ xứ đi làm ăn xa lâu lâu mới về. Trong 2 năm gần đây thì cô về ở nói là chăm lo cho cha già nhưng cô vui thì chẳng nói, buồn thì cô chửi cha tôi không ra gì, thậm chí cha tôi lớn tuổi còn phải tự mình nấu cơm ăn riêng. Giờ cha mất, cô nói là cha ghi di chúc cho nhà cửa cho cô, giấy di chúc không được anh chị em tôi chấp nhận và xã phường chưa xác nhận. Mỗi lần tới ngày giỗ, khi anh chị em tôi về để cúng kiếng thì cô khóa cửa không cho vào hoặc dùng nhiều lời nặng để xúc phạm thậm chí dùng cả vũ lực. Tôi muốn nhờ Luật sư cho ý kiến, nếu anh chị em tôi đưa ra tòa để chia nhà làm 7 phần thì 6 anh chị em tôi dùng 6 phần đó làm nhà từ đường, còn phần của cô em út thì tùy cô sử dụng. Vậy khi ra tòa có cơ hội thắng không? Còn về chi phí kiện tụng như thế nào? (Như Hoa - Hà Nội)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Thành Đạt - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về di chúc hợp pháp như sau:

"1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực".

Việc di chúc bằng văn bản không có người làm chứng thì người lập di chúc phải tự viết tay và ký vào bản di chúc, đồng thờiphải tuân theo Điều 653 Bộ luật dân sự:

"1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc".

Di chúc bằng văn bản nếu có người làm chứng thì phải có ít nhất 2 người và người làm chứng không được là người thừa kế trong di chúc hay người thừa kế theo pháp luật, phải ký hay điềm chỉ vào bản di chúc và phải tuân theo điều kiện của di chúc bằng văn bản.

Trong trường hợp của bạn, di chúc của cha bạn nếu không có người làm chứng thì phải tự viết tay, ký vào bản di chúc, tuân theo quy định của trường hợp di chúc bằng văn bản và người lập di chúc phải có đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự.

Trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì có thể chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trường hợp gia đình bạn có 7 anh chị em thì có thể phân chia thành 7 phần và mỗi người được hưởng 1 phần. Và sau khi đã chia được di sản thừa kế thì việc sử dụng tài sản thừa kế như thế nào là tùy thuộc vào chủ sở hữu định đoạt.

Về mức án phí dân sự sơ thẩm được quy định tại Pháp lệnh 10/2009/UBTVQH quy định tại khoản 7 điều 27 như sau: "Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó".

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.