Để đảm bảo được các mối quan hệ gia đình, duy trì thuần phong mỹ tục của dân tộc, pháp luật đã quy định các trường hợp cấm kết hôn nếu không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.
Hỏi:Tôi có con trai chuẩn bị kết hôn nhưng không biết con tôi có thuộc trường hợp bị cấm đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật hay không. Nhờ luật sư tư vấn giúp tôi về các trường hợp bị cấm kết hôn để tôi hiểu rõ hơn về vấn đề này? (Nguyễn Phương - Thái Bình)
Các trường hợp cấm kết hôn được quy định cụ thể tại điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 bao gồm:
Thứ nhất, kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo
Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.
Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Thứ hai, tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn. Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định độ tuổi kết hôn của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.
Lừa dối kết hôn là một trong hai người kết hôn đã nói sai sự thật về người đó làm người kia tưởng lầm mà kết hôn hoặc một trong hai người kết hôn đã hứa hẹn sẽ làm việc gì đó có lợi cho người kia làm người kia đồng ý kết hôn.
Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.
Thứ ba, người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà đăng ký kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với ngừơi đang có chồng, có vợ
Người đang có vợ, có chồng được hiểu là:
- Người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật mà quan hệ hôn nhân của họ chưa bị chấm dứt do ly hôn hoặc hoặc một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên là đã chết.
- Người đã xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 3/1/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc một trong hai bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
- Người đã kết hôn với người khác vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nhưng đã được Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực của pháp luật nhưng chưa ly hoặc một trong hai bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
Thứ tư, kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.
Pháp luật quy định như vậy để nhằm ổn định các mối quan hệ gia đình, thuần phong mỹ tục trong đời sống của người dân hiện nay.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật Hôn nhân và Gia đình mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo
- Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm
Bình luận