Trên nguyên tắc, người thành niên có quyền tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự và tự mình thực hiện các nghĩa vụ của mình. Còn người chưa thành niên phải được đại diện hoặc được hỗ trợ trong cuộc sống dân sự.
Thứ nhất, tổ chức việc đại diện
Ðại diện đương nhiên. Trừ những trường hợp được luật dự kiến, con chưa thành niên đưong nhiên được cha, mẹ đại diện trong các quan hệ với người thứ ba, nhất là trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch mà con chưa thành niên không có quyền tự mình xác lập và thực hiện (Luật hôn nhân và gia đình).
Cơ chế đại diện. Việc đại diện theo pháp luật của cha, mẹ đối với con chưa thành niên được chi phối chủ yếu bởi các quy định trong BLDS (Ðiều 20, 21 và Chương VII - Ðại diện) và trong Luật hôn nhân và gia đình. Nói chung, sự đại diện của cha, mẹ đối với con chưa thành niên cũng giống như sự đại diện của người giám hộ đối với người được giám hộ: việc đại diện mang tính chất toàn phần hay từng phần tuỳ theo con đã đủ hay chưa đủ 6 tuổi. Mặt khác, nếu con có đủ cha và mẹ nhưng một trong hai người không có năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ, thì người còn lại là người có đầy đủ quyền đại diện cho con chưa thành niên.
Tuy nhiên, nếu cha và mẹ cùng đại diện cho con, thì mọi giao dịch xác lập dưới danh nghĩa và vì lợi ích của con đều phải được sự đồng ý của cả cha và mẹ. Luật chưa dự liệu vai trò của Toà án trong trường hợp cha và mẹ không thống nhất ý kiến. Có vẻ như nếu cha, mẹ không thống nhất ý kiến, thì hoặc cha hoặc mẹ đại diện cho con trong các giao dịch thông thường; còn các giao dịch quan trọng sẽ rơi vào chỗ bế tắc.
Mặt khác, luật không ghi nhận vai trò giám sát của UBND địa phương đối với việc thực hiện quyền của cha, mẹ đại diện cho con chưa thành niên, như trong trường hợp giám hộ người chưa thành niên.
Con chưa thành niên từ đủ 15 tuổi trở lên chỉ có thể lập di chúc với sự đồng ý của cha, mẹ (BLDS Ðiều 647 khoản 2). Nhưng, con chưa thành niên đủ 15 tuổi có quyền tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý (Luật hôn nhân và gia đình). Nói chung, khi con chưa thành niên đủ 15 tuổi, thì vai trò đại diện của cha mẹ, cũng như vai trò của người giám hộ, mất dần tính chất bảo hộ và mang nhiều hơn tính chất hỗ trợ, hướng dẫn.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Các quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ trong việc đại diện theo luật cho con chưa thành niên được quy định trong các văn bản luật chủ yếu là các quyền và nghĩa vụ về tài sản. Theo Luật hôn nhân và gia đình, trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con, thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Có thể tin rằng cũng như người giám hộ không có quyền tặng cho tài sản của người được giám hộ, cha, mẹ không có quyền tặng cho tài sản của con chưa thành niên. Thế nhưng, cha, mẹ có quyền bán, cầm cố tài sản của con mà không cần xin phép UBND địa phương nơi cư trú như người giám hộ bán, cầm cố tài sản của người được giám hộ. Có thể mở rộng giải pháp này cho tất cả các trường hợp định đoạt có đền bù (có hoặc không có điều kiện) đối với tài sản của con chưa thành niên, như trao đổi, thế chấp bất động sản,... cũng như các trường hợp các giao dịch quan trọng có tính chất quản trị tài sản, như cho thuê, cho vay,... tài sản.
Trong trường hợp con chưa thành niên đủ 15 tuổi tự mình quản lý tài sản, thì có quyền tự mình định đoạt tài sản, dù vai trò đại diện của cha mẹ chưa chấm dứt (Luật hôn nhân và gia đình Điều 46 khoản 2); tuy nhiên, việc định đoạt các tài sản có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh phải có sự đồng ý của cha mẹ (cùng điều luật).
Thứ hai, thực hiện quyền đại diện
Nguyên tắc, thực hiện chung và trực tiếp. Dù không có quy định rõ ràng của luật viết, vẫn có thể khẳng định rằng trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam cha mẹ có quyền ngang nhau trong việc đại diện cho con chưa thành niên và phải cùng nhau thực hiện quyền này.
Ngang quyền, cha mẹ, trên nguyên tắc, phải thống nhất ý chí trong hoạt động đại diện. Trong trường hợp ngược lại, thì, về mặt lý thuyết, việc đại diện sẽ sa vào chỗ bế tắc. Còn trên thực tế, người nào nắm quyền lực mạnh hơn sẽ có tiếng nói áp đảo. Thông thường, đó là người cha.
Các trường hợp đặc biệt
Trường hợp cha hoặc mẹ chết. Khi giải quyết vấn đề đại diện cho con chưa thành niên, luật không dự kiến tình huống cha hoặc mẹ chết. Tuy nhiên, như đã biết, việc đại diện cho con chưa thành niên chỉ được thực hiện theo một trong hai chế độ: đại diện theo pháp luật của cha mẹ hoặc giám hộ. Thế mà, luật chủ động dự kiến các trường hợp cần đặt người chưa thành niên dưới chế độ giám hộ; trong các trường hợp ấy không có tình huống cha hoặc mẹ của người chưa thành niên chết. Dùng phương pháp loại suy, ta xác định rằng khi cha hoặc mẹ chết, thì quyền đại diện cho con thuộc về người còn lại.
Trường hợp cha mẹ ly hôn. Trong trường hợp cha và mẹ ly hôn, thì con chưa thành niên sẽ được giao cho một trong hai người trông nom, nuôi dưỡng. Luật hôn nhân và gia đình, khi giải quyết vấn đề giao con chưa thành niên cho cha hoặc mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, không đề cập đến việc đại diện cho con. Tuy nhiên, có thể tin rằng người đại diện rtoàn quyền của con phải là người trực tiếp nuôi con; người còn lại chỉ có quyền giám sát.
Thứ ba, chấm dứt việc đại diện
Việc đại diện theo luật của cha, mẹ đối với con chưa thành niên chấm dứt khi con thành niên hoặc chết. Nếu con không có năng lực hành vi dân sự, dù đã thành niên, thì việc đại diện theo luật cũng chấm dứt và được thay thế bằng chế độ giám hộ đương nhiên của cha, mẹ (BLDS Ðiều 62 khoản 3).
Luật không quy định việc thanh toán tài sản giữa cha mẹ và con chưa thành niên sau khi việc đại diện chấm dứt. Hẳn, mọi chuyện được giải quyết theo tục lệ.
Tổ bộ môn Luật Dân sự - Khoa Luật Trường Đại học Hòa Bình,tổng hợp
Liên kết đào tạo và hợp tác việc làm giữa Trường Đại học Hòa Bình và Công ty Luật TNHH Everest là hoạt động cần thiết để giải quyết thực trạng chênh lệch giữa nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của nhà trường. Hướng đến mục tiêu đào tạo 100% sinh viên có việc làm sau khi trường, Trường Đại học Hòa Bình triển khai liên kết chặt chẽ với Công ty Luật TNHH Everest trong công tác đào tạo sinh viên và tạo điều kiện việc làm cho sinh viên mới ra trường. Để được tư vấn pháp luật, Quý khách vui lòng gọi tới tổng đài tư vấn 19006198.
Bình luận