-->

Yêu cầu điều tra bổ sung trong Bộ luật Tố tụng Hình sự

Khi giải quyết vụ án hình sự, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển đến nhiều cơ quan tiến hành tố tụng khác nhau. Nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đúng pháp luật, BLTTHS quy định trong giai đoạn truy tố mà có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung...

Quy định về yêu cầu điều tra bổ sung được BLTTHS quy định cụ thể tại các Điều 121, 168, 179 và 199 tương ứng với việc yêu cầu điều tra bổ sung tại các giai đoạn tố tụng truy tố, xét xử do BLTTHS quy định. Cụ thể như sau:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Về giai đoạn tiến hành và chủ thể có thẩm quyền thực hiện:
Theo quy định tại các Điều 168, 179 và Điều 199 BLTTHS thì việc yêu cầu điều tra bổ sung có thể diễn ra ở giai đoạn truy tố, giai đoạn xét xử sơ thẩm. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm thì việc yêu cầu điều tra có thể thực hiện trước khi mở phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) và tại phiên tòa.
Về thẩm quyền ban hành văn bản yêu cầu điều tra bổ sung, trong giai đoạn truy tố việc ban hành văn bản yêu cầu điều tra bổ sung sẽ do Viện trưởng Viện kiểm sát ký trên cơ sở đề xuất của Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 36 BLTTHS.
Trong giai đoạn xét xử, trước khi quyết định đưa vụ án ra xét xử được ban hành thì việc yêu cầu điều tra bổ sung sẽ do Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trực tiếp quyết định. Tại phiên tòa, thẩm quyền ban hành quyết định yêu cầu điều tra bổ sung sẽ nhân danh Hội đồng xét xử và Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa ký quyết định.
Vấn đề đặt ra là ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, khi Tòa án đã ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng khi soạn thảo bản án, nghiên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa phát hiện có một trong các căn cứ phải trả hồ sơ điều tra bổ sung tại Điều 179 BLTTHS thì Thẩm phán có được ban hành Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không hay vẫn phải mở phiên tòa để Hội đồng xét xử quyết định. Do pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định cụ thể về vấn đề này nên thực tiễn tồn tại 02 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa được ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quan điểm thứ hai cho rằng, Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa không được tự ban hành quyết định mà phải tiến hành các công việc để mở phiên tòa và việc có yêu cầu điều tra bổ sung hay không sẽ do Hội đồng xét xử quyết định tại phiên tòa.
Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ nhất bởi vì, theo quy định tại Điều 179 BLTTHS thì Thẩm phán chỉ được ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trong khi đó, Điều 176 BLTTHS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử bao gồm thời gian từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến khi phiên tòa được mở[2]. Cho nên, thời gian từ khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước khi phiên tòa được mở vẫn thuộc giai đoạn chuẩn bị xét xử. Vì vậy, việc Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa ký quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung trong khoảng thời gian từ khi Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử đến trước khi phiên tòa được mở là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về hình thức ban hành
Theo quy định tại các Điều 168, 179 và Điều 199 BLTTHS thì dù yêu cầu điều tra bổ sung ở giai đoạn nào thì hình thức của văn bản yêu cầu điều tra bổ sung đều là quyết định. Tuy nhiên, BLTTHS không dùng chung tên quyết định mà có sự phân biệt. Đối với giai đoạn truy tố và tại phiên tòa, văn bản yêu cầu điều tra bổ sung là “quyết định yêu cầu điều tra bổ sung”; còn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì văn bản yêu cầu điều tra bổ sung là “quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung”.
Chúng tôi cho rằng, tên gọi văn bản yêu cầu điều tra bổ sung có sự khác nhau bên trên xuất phát từ bản chất của từng giai đoạn mà quyết định được ban hành. Trong đó, bản chất của giai đoạn truy tố phát sinh từ khi hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát cùng bản kết luận điều tra (hoặc quyết định đề nghị truy tố) và bản chất của giai đoạn xét xử diễn ra tại phiên tòa. Khi hồ sơ đã chuyển sang giai đoạn truy tố hay đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì về nguyên tắc hồ sơ không được chuyển lại cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để điều tra bổ sung vì như vậy sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hường đến quyền và lợi ích của người tham gia tố tụng. Khi cần yêu cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử chỉ ban hành quyết định yêu cầu điều tra bổ sung rồi chuyển cho Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung mà không chuyển hồ sơ kèm theo.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán được ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nên phải trả hồ sơ kèm theo quyết định để Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra xem xét điều tra bổ sung.
Về căn cứ điều tra bổ sung
Theo quy định tại Điều 168 và Điều 179 BLTTHS thì căn cứ yêu cầu điều tra bổ sung trong giai đoạn truy tố và chuẩn bị xét xử tương tự nhau nhưng không đồng nhất.
Trong giai đoạn truy tố, khi có một trong các căn cứ sau thì Viện kiểm sát ban hành quyết định yêu cầu điều tra bổ sung. Đó là: (1) Còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được; (2) Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác và (3) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, khi có một trong các căn cứ sau thì Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đó là: (1) Khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa được; (2) Khi có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác và (3) Khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Về căn cứ thứ nhất, sự khác nhau được thể hiện ở chỗ, trong giai đọan truy tố, khi Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ không đầy đủ (thiếu) hoặc có thu thập đủ nhưng chưa đảm bảo để kết luận (chứng minh) một trong các nội dung cần phải chứng minh tại Điều 63 BLTTHS thì Viện kiểm sát sẽ yêu cầu điều tra bổ sung. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh nhưng chưa đảm bảo để kết kuận (chứng minh) một trong các nội dung cần phải chứng minh tại Điều 63 BLTTHS. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập không đầy đủ (thiếu) chứng cứ thì Tòa án không áp dụng căn cứ này để trả hồ sơ điều tra bổ sung mà xem xét áp dụng căn cứ khác.
Đối với căn cứ thứ hai, trong giai đoạn truy tố, nội dung của thuật ngữ “tội phạm khác” bao gồm: (1) tội mà Cơ quan điều tra khởi tố không đúng với tội mà bị can thực hiện và (2) cùng với tội bị khởi tố thì bị can còn phạm tội khác. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Tòa án chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung khi bị can, bị cáo phạm tội khác với tội mà Viện kiểm sát truy tố chứ không bao gồm việc ngoài hành vi bị truy tố, bị can, bị cáo còn phạm tội khác.
Đối với căn cứ thứ ba, việc vi phạm thủ tục tố tụng theo khoản 3 Điều 168 chỉ có thể xảy ra ở giai đoạn khởi tố, điều tra; còn việc vi phạm thủ tục tố tụng tại điểm c khoản 1 Điều 179 BLTTHS có thể vi phạm tố tụng ở giai đoạn khởi tố, điều tra và cả giai đoạn truy tố.
BLTTHS không quy định căn cứ yêu cầu điều tra bổ sung tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong thực tiễn, khi có một trong các căn cứ tại khoản 1 Điều 179 BLTTHS, Hội đồng xét xử vẫn ban hành quyết định yêu cầu điều tra bổ sung.
Về số lần yêu cầu điều tra bổ sung và thủ tục tiến hành
Theo khoản 2 Điều 121 BLTTHS thì Viện kiểm sát và Tòa án chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung không quá 02 lần.
Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát sẽ ban hành quyết định rồi chuyển quyết định cùng hồ sơ vụ án đến Cơ quan điều tra để Cơ quan điều tra thực hiện việc điều tra bổ sung theo quy định.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, hoặc tại phiên tòa, Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) chuyển quyết định trả hồ sơ cùng hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát. Nếu thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát thực hiện; nếu không thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát chuyển cho Cơ quan điều tra thực hiện.
Thời hạn điều tra và thủ tục tiến hành sau khi điều tra bổ sung
Trong trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung là 02 tháng; trong trường hợp Tòa án (Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa) trả hồ sơ điều tra bổ sung là 01 tháng. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra (khoản 2 Điều 121 BLTTHS).
Theo khoản 4 Điều 121 BLTTHS thì khi điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS. Trong trường hợp có căn cứ tạm giam theo quy định của BLTTHS thì thời hạn tạm giam để điều tra bổ sung không được quá 01 tháng (trường hợp Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung) hoặc không quá 2 tháng (trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung).
Sau khi điều tra bổ sung xong, hồ sơ sẽ được chuyển cho Viện kiểm sát cùng kết luận điều tra bổ sung để Viện kiểm sát thực hiện thủ tục truy tố. Thời hạn truy tố của Viện kiểm sát sẽ được tiến hành theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung thì Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để chuyển cho Tòa án (trường hợp yêu cầu điều tra bổ sung do Cơ quan điều tra thực hiện) hoặc Viện kiểm sát chuyển hồ sơ cho Tòa án (trường hợp yêu cầu điều tra bổ sung do Viện kiểm sát thực hiện). Sau khi nhận lại hồ sơ từ Viện kiểm sát, Tòa án phải ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử trong hạn 15 ngày (khoản 2 Điều 176 BLTTHS).
Trường hợp Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung thì BLTTHS không quy định rõ về số lần yêu cầu điều tra bổ sung và trình tự tiến hành phiên tòa sau khi có kết quả điều tra bổ sung.

Luật sư Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật TNHH Everest