Người lao động nước ngoài khi vào làm việc tại Việt Nam chỉ được thông qua một trong các hình thức đã được quy định cụ thể
Những quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được Bộ luật lao động và những văn bản dưới luật điều chỉnh một cách cụ thể
Các trường hợp lao động là nước ngoài được vào làm việcệc tại Việt Nam
Người lao động là công dân nước ngoài (sau đây gọi tắt là NLĐNN) có thể vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức sau đây:
1. Thực hiện hợp đồng lao động;
2. Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp;
3. Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế;
4. Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng: là chuyên gia và có ít nhất 02 năm (24 tháng) làm việc trong một doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
5. Chào bán dịch vụ: là người không sống tại Việt Nam và không nhận thù lao từ bất cứ nguồn nào tại Việt Nam, tham gia vào các hoạt động liên quan đến việc đại diện cho một nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán tiêu thụ dịch vụ của nhà cung cấp đó, với điều kiện không được bán trực tiếp dịch vụ đó cho công chúng và không trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ.
6. Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam;
7. Tình nguyện viên;
8. Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại;
9. Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật;
10. Tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam;
11. Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam được phép làm việc tại Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên.
Việc tuyển dụng NLĐNN đòi hỏi doanh nghiệp và NLĐNN cần đáp ứng nhiều điều kiện và chịu sự hạn chế; chứ không phải bất kỳ khi nào doanh nghiệp có nhu cầu hay tùy ý là có thể tuyển dụng được.
Thứ nhất, doanh nghiệp chỉ được tuyển NLĐNN vào làm công việc quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh; cụ thể:
1- Chuyên gia là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:(i) Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài. (ii)Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2- Nhà quản lý, giám đốc điều hành là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau: (i)Nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp, bao gồm: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh doanh nghiệp ký kết giao dịch của doanh nghiệp; hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức. (ii)Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
3- Lao động kỹ thuật là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.
Doanh nghiệp cần nắm rõ các khái niệm (điều kiện) này; vì sẽ phải chuẩn bị các giấy tờ chứng minh, xác nhận đối tượng cụ thể khi thực hiện việc đề nghị cấp giấy phép lao động.
Thứ hai, để có thể bắt đầu tuyển dụng thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng NLĐNN, doanh nghiệp phải gửi Báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH) đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến NLĐNN sẽ làm việc.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ có văn bản thông báo chấp thuận hay không chấp thuận việc sử dụng NLĐNN theo từng vị trí công việc mà doanh nghiệp đã giải trình.
Khi đã nhận được văn bản chấp thuận mà có sự thay đổi nhu cầu sử dụng NLĐNN; thì, trước ngày dự kiến sử dụng NLĐNN ít nhất 30 ngày, doanh nghiêp có thể gửi Báo cáo giải trình thay đổi (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH) đến Ủy ban nhân dân đã cấp văn bản chấp thuận.
Thứ ba, sau khi tuyển được NLĐNN, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện công việc "Đề nghị cấp giấy phép lao động" trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động; hoặc, "Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động" nếu NLĐNN thuộc các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động.
Và cuối cùng, doanh nghiệp thực hiện việc "Bảo lãnh cho người lao động nước ngoài được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam".
Có thể khái quát quá trình tuyển dụng NLĐNN theo sơ đồ sau:
Giải trình nhu cầu sử dụng NLĐNN > Tuyển dụng >> Đề nghị cấp giấy phép lao động hoặc Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động >>> Bảo lãnh cho NLĐNN được cấp thị thực nhập cảnh vào Việt Nam.
Lưu ý:
Nếu công dân nước ngoài thuộc các trường hợp sau đây thì doanh nghiệp không phải thực hiện việc giải trình về nhu cầu sử dụng NLĐNN; nhưng phải thực hiện công việc "Đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động":1- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.2- Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý những sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.3- Là học sinh, sinh viên học tập và làm việc tại Việt Nam.4- Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm. Thời gian cộng dồn trong 01 năm được hiểu là trong thời gian đủ 12 tháng liên tục và được tính kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc tại Việt Nam.5- Học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam.
Luật gia Nguyễn Thị Tâm - Phòng tư vấn pháp luật lao động của Công ty Luật TNHH Everest - Tổng đài tư vấn 1900 6198, tổng hợp.
Khuyến nghị:
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, E-mail:[email protected],[email protected]
Bình luận