-->

Tư vấn về quy định cho nghỉ việc của công ty

Bộ luật Lao động có quy định về các trường hợp người sử dụng lao động có quyền cho người lao động nghỉ việc.

Hỏi: Hiện tôi đang làm việc cho Công ty X, có ký hợp đồng 3 năm từ tháng 07/2013 đến 07/2016. Do một số vấn đề nên hiện tôi đang xin nghỉ ở Công ty và đã nộp đơn từ cuối tháng 07/2015. Tuy nhiên theo chính sách Công ty thì tôi phải bàn giao tới cuối tháng 10/2015 (tương đương 12 tuần). Trong suốt thời gian này, nếu trong trường hợp tôi xin nghỉ vì bị bệnh hay vì lý do cá nhân thì phải làm bù theo block 2 giờ, 4 giờ, 1 ngày làm việc và không được có một ngày phép năm nào kể từ ngày nộp đơn (theo chính sách Công ty thì làm xong 1 tháng thì được 1 ngày phép). Bên cạnh đó, chính sách Công ty là nếu tôi nghỉ trước Lễ, sau Lễ sẽ nhân 3 số ngày nghỉ và tôi sẽ bị trừ lương như vậy. Xin luật sư tư vấn cho tôi biết chính sách Công ty như vậy có phù hợp không? (Quách Hương - Hà Nội)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Lao động Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Theo quy định tại khoản 3, 9 điều 36 Bộ luật lao động 2012 (BLLĐ 2012):

"Điều 36. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này."

Theo quy định tại khoản 1, 2 điều 37 Bộ luật lao động năm 2012:

"Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này."

Vì hợp đồng lao động của bạn là hợp đồng xác định thời hạn nên khi nghỉ việc bạn phải đảm bảo cả 2 yếu tố là thuộc một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo khoản 1 điều 37 BLLĐ và thời hạn báo trước ít nhất 30 ngày theo khoản 2 điều 37 BLLĐ 2012. Khi không đáp ứng đủ 2 điều kiện này thì việc chấm dứt hợp đồng của bạn là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Do bạn không cung cấp thông tin cụ thể về lý do chấm dứt hợp đồng và thời gian báo trước về việc xin nghỉ việc của bạn như thế nào nên xét 2 trường hợp:

- Trường hợp 1: việc chấm dứt hợp đồng đúng theo quy định tại điều 37 BLLĐ 2012:

Nếu công ty đã xác nhận việc xin nghỉ từ cuối tháng 7/2015 thì công ty không có quyền bàn giao công việc tới cuối tháng 10/2015. Khi đó, hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày công ty xác nhận và đơn xin nghỉ thì bạn có thể tự nghỉ việc, công ty sẽ phải thực hiện thanh toán cho bạn các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên và trả sổ bảo hiểm, tiền trợ cấp thôi việc cho bạn theo điều 47, 48 BLLĐ 2012:

"Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Điều 48. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc."

Trường hợp công ty không thanh toán cho bạn thì bạn có thể gửi đơn khiếu nại đến công ty yêu cầu công ty thanh toán các khoản trên, nếu công ty vẫn không giải quyết đến Sở lao động - thương binh và xã hội. Nếu vẫn không giải quyết được thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án.

- Trường hợp 2: Bạn xin nghỉ việc và công ty đồng ý cho bạn nghỉ việc với điều kiện bạn phải làm việc đến hết tháng 10/2015 như công ty đã bàn giao thì chấm dứt hợp đồng làm việc trong trường hợp này là chấm dứt theo thỏa thuận của các bên mà không có điều kiện báo trước hay lý do theo điều 37 BLLĐ.

Đối với chính sách của công ty bạn:

Theo điều 111 BLLĐ 2012:

"Điều 111. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm."

Vì thời gian này là thời gian bạn vẫn làm việc tại công ty nên nếu chưa nghỉ hết bạn có quyền được nghỉ hằng năm là 12 ngày, hưởng nguyên lương. Nếu bạn đã nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm mà nghỉ không phải theo quy định tại điều 115, 116 BLLĐ 2012 thì bạn phải làm bù hoặc sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của công ty, bạn cũng có thể thỏa thuận về việc nghỉ không hưởng lương để không phải làm bù. Đối với chính sách không được có một ngày phép năm nào kể từ ngày nộp đơn là không đúng với quy định.

"Điều 115. Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

2. Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài ngày nghỉ lễ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

3. Nếu những ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Điều 116. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương."

Về quy định nghỉ trước lễ sẽ nhân 3 số ngày nghỉ và trừ lương là không đúng với quy định của BLLĐ, công ty không có quyền trừ lương, nhân 3 số ngày nghỉ mà chỉ có thể áp dụng các hình thức kỷ luật theo điều 125 BLLĐ 2012:

"Điều 125. Hình thức xử lý kỷ luật lao động

1. Khiển trách.

2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức.

3. Sa thải."

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật lao động mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.