-->

Tư vấn về phân chia di sản thừa kế cho các con ?

Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".

Hỏi: Tôi năm nay 60 tuổi, chồng tôi mất đã lâu. Sau khi chồng tôi qua đời, mọi tài sản như: nhà cửa, cổ phần...đều được các con tôi quy về một mối và sang tên cho tôi. Tất cả các giấy tờ đều được pháp luật công nhận. Nay tôi muốn chia lại tài sản cho các con thì có phải họp bàn với chúng hay của tôi tôi cho ai bao nhiêu như thế nào là việc của tôi? Tôi có 4 người con, người con cả của tôi không có công ăn việc làm lại dính vào tệ nạn xã hội. Tôi đã xây cho vợ chồng nó một căn nhà 2 tầng và đứng tên nó. Còn căn nhà tôi đang ở, tôi tính cho 3 đứa con còn lại. Cổ phần của tôi và quầy hàng mang tên tôi tôi tính để dưỡng già. Sau khi tôi mất sẽ giao lại cho con thứ để hương hỏa cho tổ tiên, cổ phần thì cho các cháu.Tuy nhiên con cả của tôi cho rằng, nó là con trưởng mà được ít (mặc dù giá trị 3 đứa con trai tính ra tiền mặt là như nhau, con gái ít hơn) và nó luôn tìm cách gây cản trở mỗi khi tôi họp bàn chia tài sản cho các con. Thi thoảng nó lại mượn cớ đến nhà tôi gây sự và quấy nhiễu. Do nó có tính tệ nạn xã hội nên tôi cảm thấy rất khó chịu. Vậy xin hỏi luật sư, việc cho các con tài sản tôi có thể tự quyết định và đưa ra phường đóng dấu, gửi đó, để sau khi tôi mất các con tôi sẽ được thực thi hay không? Tôi có phải bàn bạc xin chữ ký nhất trí giữa 4 đứa con không? Tôi có thể chia tài sản ngay tức khắc mà không phải di chúc hay không? Làm thế nào để con cả của tôi thôi quấy nhiễu, tham lam và chấp nhận phần của nó và không gây khó khăn cho các em còn lại không? (Tú Anh - Hải Dương)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Điều 631 Bộ luật dân sự 2005 quy định: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".

Điều 648 Bộ luật dân sự 2005 quy định:

"Người lập di chúc có các quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản".

Như vậy, trường hợp bác muốn lập di chúc thì bác hoàn toàn có thể tự quyết định ai là người thừa kế, ai không được nhận thừa kế và phân định di sản cho từng người thừa kế và các quyền khác theo quy định tại Điều 648. Về hình thức của di chúc được quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

"Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình".

Theo đó, trường hợp bác muốn lập di chúc thì di chúc phải được lập thành văn bản, có thể có người làm chứng hoặc không có người làm chứng. Tuy nhiên di chúc bằng văn bản thì phải được công chứng, chứng thực. Trường hợp di chúc của bác có người làm chứng thì cần phải có chữ ký của người làm chứng. Lưu ý theo quy định của pháp luật thì các con bác không được quyền làm chứng cho di chúc của bác. Như vậy thì việc bác lập di chúc không cần phải có sự thỏa thuận hay chữ ký của 4 người con.

Ngoài cách lập di chúc, nếu bác muốn việc định đoạt các tài sản của mình có hiệu lực ngay, thì bác có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho mỗi người, mà không cần phải lập di chúc. Việc tặng cho tài sản phải có hợp đồng tặng cho tài sản. Hợp đồng tặng cho tài sản được quy định tại Điều 465 Bộ luật dân sự 2005 như sau:"Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận".

Việc tặng cho tài sản là động sản hoặc bất động sản được quy định tại Điều 466 và Điều 467 Bộ luật dân sự 2005 như sau:

- "Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký". (Điều 466)

- "1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản". (Điều 467)

Như vậy, những hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất này cần phải được công chứng tại Văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng thì mới có hiệu lực pháp luật.

Việc con trai cả của bác thường xuyên quấy nhiễu có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

b) Gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác;

c) Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng".

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.