-->

Tư vấn về hình phạt của tội phá hoại tài sản

Khoản 1 Điều 143 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Hỏi: Gia đình chúng tôi ở trong 1 ngõ nhỏ cùng 3 gia đình khác ở nông thôn, có 1 gia đình ở phía ngoài gần đường cố tình xây dựng tường bao 2 bên làm cho con ngõ đang rộng 3m, giờ chỉ rộng 1,5m, vì chúng tôi ở phía trong nên khi đi lại bị che khuất tầm nhìn, chính vì vậy đã xẩy ra mâu thuẫn. Hai gia đình ở phía trong ngõ đã cùng nhau thống nhất phá bỏ bức tường bao che khuất tầm nhìn, sau khi thông báo tới chính quyền xã nhưng không được giải quyết dứt điểm, Nay chúng tôi bị kiện vì phá hoại tài sản của họ (bức tường trị giá khoảng 3 triệu). Chúng tôi mong quý công ty giải đáp 1 số vấn đề như sau:Khi bị kiện vì tội phá hoại tài sản, chúng tôi sẽ bị xử phạt như nào, bức tường họ xây là tự ý xây, không có giấy phép của xã, không chứng minh được là xây trên đất của họ, điều này chúng tôi có thể nắm chắc thông qua kiểm tra diện tích trên sổ đỏ của họ hiện có nhỏ hơn so với diện tích thực tế.Chúng tôi có bị kiện vì phá hoại có tổ chức không?Chúng tôi có được bảo vệ khi bức tường xây dựng trái phép không phải trên đất của họ không?Ngoài việc giải quyết khiếu kiện chúng tôi phải làm gì để có thể giải tỏa được 2 bức tường bao 2 bên trả lại ngõ rộng như cũ để thuận tiện đi lại, trong khi chính quyền xã, huyện không giải quyết nổi. Chúng tôi có nên tự ý xây 1 bức tường trước cửa nhà họ rồi đợi họ phá và kiện lại họ không rất mong nhận được tư vấn của quý công ty. (Yến Chi - Bến Tre)

>>>Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Lương Thị Anh Thư - Tổ tư vấn pháp luật Hình sự Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Khoản 1 Điều 143 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:

"1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

Sau khi thông báo tới chính quyền xã nhưng không được giải quyết dứt điểm nên anh cùng các hộ phía trong đã tự ý tháo dỡ toàn bộ bức tường trên, hậu quả do các anh gây nên ước tính thiệt hại 3 triệu VNĐ. Chiểu theo quy định của pháp luật, người nào hủy hoại tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng trở lên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Mặc dù gia đình đầu ngõ có xây dựng không đúng quy định của pháp luật (anh căn cứ phần diện tích xây dựng tường bao không nằm trong tổng diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng các anh không được pháp luật trao thẩm quyền tự ý hành động như trên. Bởi, thẩm quyền giải quyết vụ việc trên thuộc các cấp UBND, và trường hợp xây dựng trái luật sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ nếu không tự nguyện thi hành. Trường hợp UBND xã, UBND quận, huyện không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để, các anh có quyền gửi đơn khiếu nại yêu cầu các cơ quan này giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Hành vi tự ý tháo dỡ công trình của người khác là trái quy định của pháp luật, nhưng theo đánh giá sơ bộ thì các anh không bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung "có tổ chức" theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 143 BLHS 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Trong sự việc trên, nếu bị truy cứu TNHS mà với những tình tiết như: người bị hại cố tình xây dựng trái luật gây xung đột; chính quyền địa phương giải quyết không triệt để gây bức xúc; các tính tiết về nhân thân của người thực hiện hành vi,... thì hình phạt đặt ra đối với hành vi của các anh có thể sẽ không nặng.

Điều 604 Bộ Luật Dân Sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”.

Ngoài TNHS, các anh còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại.

Đối với trường hợp trên, anh có quyền gửi đơn tố cáo tới UBND có thẩm quyền để đề nghị thụ lý và xử lí. Nếu UBND không giải quyết thì anh có quyền gửi đơn khiếu nại tới UBND để xem xét và giải thích lý do không thực hiện việc giải quyết.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật hình sự mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.