-->

Tư vấn tranh chấp đất đai do ông bà để lại không di chúc?

Trường hợp người chết không để lại di chúc, di sản thừa kế được chia theo pháp luật, hàng thừa kế được xá định theo Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005

Hỏi: Ba tôi năm nay hơn 60 tuổi, là con út trong gia đình có 4 anh chị em, bác 2 (anh cả của ba tôi) đã mất từ năm 1975, 2 cô tôi đã có gia đình và ở riêng từ sau 1975. Ba mẹ tôi sống cùng bà nội tôi (ông nội tôi là liệt sĩ mất từ 1968) từ trước tới nay trên mảnh đất (ở nông thôn miền trung) diện tích khoảng hơn 5.000m2 do ông bà cố để lại. Năm 1997, bà nội tôi mất và không để lại di chúc về thửa đất gia đình tôi đang sinh sống. Khoảng sau năm 2000, ba mẹ tôi hoàn tất thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên và chủ sở hữu được chứng nhận trên giấy là hộ gia đình tôi (gồm ba mẹ tôi và các anh chị em tôi). Trước đó giấy tờ mảnh đất như thế nào tôi không rõ nhưng thấy hàng năm ba mẹ tôi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Nay các cô tôi yêu cầu ba mẹ tôi phải chia đất cho các cô. Xin nói thêm là trước kia, khoảng năm 1990, ba mẹ tôi hỗ trợ cho 2 cô tôi toàn bộ gỗ, tre, ngói và thậm chí là tiền để làm nhà trên đất của gia đình phía 2 dượng của tôi (hồi đó quê tôi còn nghèo chủ yếu chỉ có nhà khung gỗ, vách đất và lợp ngói thôi, thậm chí còn 1 số nhà mái tranh). Tôi xin hỏi luật sư là các cô tôi yêu cầu như vậy có đúng không? Tôi xin chia sẻ thêm với luật sư là ba tôi cũng muốn chia một phần đất cho các cô tôi và chị họ tôi (con gái duy nhất của bác 2 tôi). Hiện tại mảnh đất này có giá trị cũng không quá lớn (nghe mấy cô chú ở xóm tôi nói khoảng trên dưới 200 triệu đồng gì đó). Theo suy nghĩ của tôi việc phân chia này về giá trị tiền bạc thì không quá lớn nhưng ba mẹ tôi đã tốn bao nhiêu công sức để khai phá vì sau giải phóng đó chỉ là mảnh vườn hoang chủ yếu là cây cỏ dại, các cô tôi lấy chồng và ở riêng từ sớm nên không có công sức gì trên mảnh vườn này. Việc thờ cúng (ông bà cố tôi, ông nội tôi, bác 2 tôi) và phụng dưỡng bà nội tôi do ba mẹ tôi lo từ xưa tới nay. Ba mẹ tôi đã làm lụng vô cùng vất vả, nhịn ăn nhịn mặc từ trước đến nay mới có được cuộc sống ổn định như hiện giờ. Trong ý nghĩ của các cô (và cả các anh họ của tôi) là khi bà nội tôi mất có để lại tiền vàng cho ba mẹ tôi nhưng tôi biết rất rõ là bà tôi không để lại bất cứ tài sản nào và thật ra bà cũng chẳng có gì mà để lại. . Hơn nữa đây có thể coi là di sản thờ cúng của ông bà tổ tiên để lại, nếu cứ chia cho các cô tôi, rồi sau này là các anh chị em tôi thì nó sẽ còn lại gì? (Hoàng Hòa - Hải Dương)

>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
>>> Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Nguyễn Văn Nam - Tổ tư vấn pháp luật thừa kế - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:

Vấn đề cốt yếu để giải đáp thắc mắc của bạn làphải xác định được nguồn gốc của mảnh đất này: là do ông bà của bạn để lại hay là do bố mẹ của bạn khai hoang, vượt lập hình thành, sử dụng.

Để trả lời chocâu hỏi các cô của bạn có quyền yêu cầu chia mảnh đất đó hay không? Điều quan trọng là phải xác định được nguồn gốc của mảnh đất.

- Nếu mảnh đất là do ông bà của bạn để lại thì các cô của bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu được chia đất. Bởi Bộ luật Dân sự năm 2005 tại Điều 675 quy định về thừa kế theo pháp luật khi người chết không có di chúc. Khi đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng 1 phần bằng nhau từ khối di sản. Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi. Do đó, việc các cô của bạn yêu cầu được chia đất là hoàn toàn chính đáng.

- Nếu mảnh đất là do bố mẹ của bạn khai hoang, vượt lập bằng riêng công sức của bố mẹ bạn thì bố mẹ bạn có quyền sử dụng hợp pháp mảnh đất này, bà nội của bạn cũng không có quyền định đoạt đối với mảnhđất này. Pháp luật đất đai cũng quy định về công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ nhưng sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp. Cụ thể:

"Điều101. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất".

Do đó, các cô của bạn không có quyền yêu cầu được chia đất đối với diện tích đất được hình thành từ công sức của bố mẹ bạn.

- Trường hợp vừa có diện tích đất của ông bà bạn để lại vừa có diện tích đất do bố mẹ bạn khai hoang, vượt lập hình thành nên thì sẽ tách riêng 2 diện tích và giải quyết yêu cầu của các cô bạn như trên. Khi đó, vấn đề quan trọng là xác định diện tích nào là của ông bà bạn để lại, diện tích nào là của bố mẹ bạn có công sức khai hoang, và chứng minh công sức khai hoang, vượt lập của bố mẹ đối với diện tích thực tế.

Chúng tôi cũng xin phân tích thêm về vấn đề di sản thờ cúng.

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về vấn đề di sản thờ cúng trong nội dung của thừa kế theo di chúc. Tức là phần di sản được coi là di sản thờ cúng khi người để di sản có di chúc và trong di chúc xác định rõ phần di sản nào là dùng vào việc thờ cúng. Đối với phần di sản thờ cúng này không thể được phân chia thừa kế.

Trong nội dung của thừa kế theo pháp luật không có nội dung về di sản thời cúng. Bởi khối di sản không được định đoạt bởi ý chí của người chủ tài sản mà được định đoạt bằng ý chí của Nhà nước, thể hiện ở việc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đều được hưởng 1 phần bằng nhau. Khi các đồng thừa kế muốn di sản được dùng vào việc thờ cúng thì phải có văn bản thỏa thuận được công chứng hoặc chứng thực.

Khuyến nghị:

  1. Để có tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198.
  2. Nội dung tư vấn pháp luật thừa kế mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.