Trường hợp di chúc của ông nội bạn là vô hiệu thì bố bạn và cô bạn là người đồng sở hữu căn nhà mảnh đất do ông nội bạn để lại. Do đó khi tiến hành xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có sự đồng ý của cô bạn.
Hỏi: Gia đình tôi có 1 mảnh đất, trước đây đứng tên ông nội tôi, sau khi ông nội tôi mất năm 1996 chỉ di chúc bằng miệng lại cho bố tôi. Đến năm 2003 gia đình tôi được nhận sổ đỏ đứng tên bố tôi. Đến năm 2008 gia đình tôi có bán đi 1 phần của mảnh đất đó và cũng đã làm lại sổ đỏ mới.Đến nay do gia đình có xích mích nên cô tôi (em gái của bố tôi) đòi kiện gia đình tôi vì làm sổ đỏ sang tên mà ko được sự đồng ý của cô. Xin hỏi Luật sư, cô tôi có quyền đối với mảnh đất đó không? (Nguyễn Thanh Mai – Tuyên Quang)
Luật gia Trần Thu Trang - Tổ tư vấn pháp luật bất động sản của Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bố bạn được thừa kế mảnh đất theo
di chúc bằng miệng. Tuy nhiên, “Di chúc miệng được coi là hợp pháp,
nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai
người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên
hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện
ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”- trích khoản
5 Điều 652 BLDS năm 2005. Hai người làm chứng có thể không phải là cô bạn. Hơn
nữa, cô bạn cũng không thuộc đối tượng được hưởng thừa kế quy định tại Điều 669
BLDS năm 2005. Ngoài ra, tại Điều 733 BLDS năm 2005 quy định “Thừa kế quyền sử
dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế
theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai”. Mặt khác, bên nhận
chuyển nhượng quyền sử dụng đất “được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối
với đất được chuyển nhượng”- trích khoản 3 Điều 702 BLDS năm 2005.
Do bạn không cung cấp cụ thể di chúc bằng miệng do ông nội bạn để lại nên tôi
có thể đưa cho bạn hai hướng giải quyết như sau:
Thứ nhất:Nếu di chúc bằng miệng ông nội bạn để lại có đáp ứng được các điều kiện nêu tại khoản 5 Điều 652 BLDS năm 2005 ở trên thì được xem là hợp pháp. Do đó, việc bố bạn được thừa kế mảnh đất của ông nội là hợp pháp. Như vậy, khi di chúc này có hiệu lực – tại thời điểm mở thừa kế, bố bạn có quyền sỡ hữu mảnh đất này. Điều này đồng nghĩa với việc bố bạn được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của 1 người thừa kế đối với mảnh đất này mà không cần phải tham khảo ý kiến ai. Như vậy, trường hợp này, sự có mặt của biên bản đó không có ảnh hưởng gì tới việc bố bạn được sỡ hữu và được cấp sổ đỏ đối với mảnh đất này.
Thứ hai:Nếu di chúc bằng miệng của ông nội bạn
không đáp ứng đủ các điều kiện là một di chúc hợp pháp như khoản 5 Điều 652
BLDS năm 2005 đã nêu trên thì các con của ông nội bạn được thừa kế theo pháp
luật về mảnh đất này. Như thế, cô của bạn sẽ được hưởng 1 phần mảnh đất này
theo quy định của pháp luật. Và lúc bố bạn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất phải có sự đóng góp ý kiến – sự đồng ý của cô bạn. Trường hợp này, bố bạn đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cho mảnh đất mà không được sự đồng ý của cô bạn thì không phù hợp
với quy định của pháp luật.
Khuyến nghị:
- Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
- Nội dung bài tư vấn pháp luật bất động sản mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
- Các điều luật chúng tôi viện dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, Chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.
Bình luận