-->

Tư vấn phương án phân chia lợi nhuận đối với công ty TNNH?

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần

Hỏi: Tôi đang phải đối mặt với một tình huống dưới đây, nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi với. Công ty TNHH T.B kinh doanh ngành nghề mua bán đồ gỗ và nội thất, vốn điều lệ là năm (05) tỷ đồng, trong đó
1. Dương góp 800 triệu bằng tiền mặt;
2. Thành góp 1.200.000.000 (Một tỷ hai trăm triệu) bằng giấy nhận nợ của Công ty Thành Mỹ (Giấy nhận nợ trị giá 1.300.000.000);
3. Chung góp 1.500.000.000 (Một tỷ năm trăm triệu) bằng ngôi nhà (tại thời điểm đóng góp ngôi nhà trị giá 800 triệu).
4. Hải góp 1.500.000.000 (Một tỷ năm trăm triệu) bằng tiền mặt nhưng mới góp được 500 triệu, còn 01 tỷ cam kết góp khi nào công ty cần.
Kinh doanh được một năm công ty hoạt động có lãi và quyết định chia lãi 800 triệu, nhưng các thành viên không thống nhất được với nhau về phương án phân chia lợi nhuận.
Thành cho rằng Hải chưa góp 01 tỷ nên chỉ được hưởng lãi tương ứng với 500 triệu đã góp. Hải cho rằng việc góp vốn bằng giấy nhận nợ của Thành là sai và đến thời điểm chia lãi, công ty Thành Mỹ mới chỉ trả được 700 triệu. Phần góp vốn của Chung cao hơn giá trị thực tế.

Yêu cầu:
Luật sư hãy tư vấn giúp các thành viên của Công ty T.B, xây dựng phương án phân chia lợi nhuận và lý giải tại sao lại lựa chọn phương án đó? (Minh Anh)
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198
Luật sư tư vấn pháp luật qua tổng đài (24/7) gọi: 1900 6198

Luật gia Hà Thu Hường - Tổ tư vấn pháp luật Doanh nghiệp - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Khoản 29 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần”.
Theo qui định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP, thời hạn để thành viên hoàn thành nghĩa vụ góp vốn là 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: “Phần vốn góp là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh”.

Như vậy, nếu tại Điều lệ công ty quy định vốn điều lệ là số vốn thực góp, gồm Hải 500 triệu, Thành 700 triệu, Dương 800 triệu, Chung 800 triệu; tỷ lệ vốn góp của các thành viên là: Hải 17, 86%; Thành 25%, Dương 28,57%, Chung 28,57%. Nếu Điều lệ công ty quy định vốn điều lệ là số vốn cam kết góp, bao gồm Thành là 1 tỷ 2, Dương là 800 triệu, Hải là 1 tỷ 5; Chung 1 tỷ 5 thì tỷ lệ vốn góp của từng thành viên trong vốn điều lệ là: Thành 24%; Dương 16%; Hải 30%; Chung 30%.
"Thành cho rằng Hải chưa góp 01 tỷ nên chỉ được hưởng lãi tương ứng với 500 triệu đã góp".
Nếu Điều lệ công ty quy định vốn điều lệ là số vốn thực góp thì ý kiến của Thành cũng phù hợp với quy định của pháp luật về việc Hải chỉ được hưởng lãi tương ứng với 500 triệu đã góp.
"Hải cho rằng việc góp vốn bằng giấy nhận nợ của Thành là sai và đến thời điểm chia lãi, công ty Thành Mỹ mới chỉ trả được 700 triệu".
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, “giấy nhận nợ” được xem như là một tài sản, cụ thể là quyền tài sản. Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

Mặt khác, tại khoản 13 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2014 quy định “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.

Khi thành lập công ty việc góp vốn bằng giấy nhận nợ “Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế” (khoản 2 Điều 37 Luật Doanh Nghiệp 2014).
Khi các thành viên đã thỏa thuận để chấp nhận “giấy nhận nợ” là một phần vốn góp, các bên có trách nhiệm phải biết rằng góp vốn bằng “giấy nhận nợ” thì rủi ro có thể xảy ra, có thể đòi được nhưng cũng có thể không đòi được nợ. Do vậy, khi đã góp vốn bằng “giấy nhận nợ” tuân thủ đúng pháp luật thì giữa các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp mà các thành viên đã định giá tại thời điểm định giá.
Như vậy, việc Thành góp vốn bằng giấy nợ là không trái với quy định của pháp luật và hoàn toàn được hưởng lãi tương ứng với phần vốn đã góp của mình.
"Phần vốn góp của Chung cao hơn thực tế"
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Luật doanh nghiệp 2014:
"Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí hoặc do một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được đa số các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế".

Chung cam kết góp 1.500.000.000 bằng tài sản góp vốn (ngôi nhà) nhưng tại thời điểm góp vốn ngôi nhà chỉ có giá trị là 800 triệu. Như tình huống bạn đưa ra, không nói rõ ngôi nhà mà Chung góp do tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá hay do các thành viên sáng lập cùng nhất trí. Nếu trong trường hợp, do tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá thì tổ chức định giá sẽ phải chịu trách nhiệm về việc định giá tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn. Trường hợp do các thành viên sáng lập cùng nhất trí thì Chung, Hải, Dương, Thành sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chệnh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá. Như vậy, Chung vẫn được hưởng lãi tương ứng với 1.500.000.000.
Nhận định của Hải khi cho rằng phần vốn góp của Chung cao hơn giá trị thực tế là hoàn toàn chính xác, nhưng tại thời điểm Chung góp vốn Hải không có ý kiến gì về việc góp vốn của Chung mà chỉ đưa ra quan điểm của mình khi chia lãi. Như vậy, Hải có thể yêu cầu các thành viên khác định giá tài sản của Chung hoặc yêu cầu tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá.

Khuyến nghị:

  1. Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6198, hoặc E-mail: [email protected].
  2. Nội dung bài tư vấn pháp luật Doanh nghiệp mà Công ty Luật TNHH Everest cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.
  3. Tại thời điểm quý Vị đọc bài viết này, các điều luật chúng tôi viện dẫn có thể đã hết hiệu lực, hoặc đã được sửa đổi, bổ sung; các thông tin trong tình huống là cá biệt. Do đó, chúng tôi không đảm bảo những thông tin này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi đối tượng, ở mọi thời điểm.